Việc kiểm tra phần đáy tàu Ever Given là một phần cuộc điều tra nguyên nhân tàu hàng lao vào đê bao kênh đào Suez và chắn ngang tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới suốt 6 ngày. Mãi đến 29/3, con tàu mới được giải thoát khỏi vị trí mắc cạn.
Theo 2 nhân sự cấp cao của cơ quan quản lý kênh đào Suez, phần mũi quả lê của con tàu chỉ chịu thiệt hại nhẹ đến vừa.
Một người tiết lộ các chuyên gia vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại của Ever Given, nhưng khó có khả năng các thiệt hại đủ lớn để ngăn con tàu ra khơi trở lại.
Tàu Ever Given được đưa đến hồ Great Bitter của Ai Cập vào ngày 30/3 chờ điều tra nguyên nhân sự cố mắc cạn giữa kênh đào Suez. Ảnh: AP. |
Tương lai của Ever Given vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào các diễn biến "pháp lý và quy trình" trong thời gian tới, qua trao đổi giữa cơ quan quản lý kênh đào Suez và phía điều hành tàu hàng.
Sự cố đã khiến thương mại thế giới thiệt hại hàng tỷ USD mỗi ngày. Một khi làm rõ trách nhiệm, việc giải quyết chi phí sửa chửa tàu và kênh đào Suez, cũng như đền bù các bên chịu thiệt hại, có thể kéo dài nhiều năm trời.
Kể từ khi nối lại hoạt động vào chiều 29/3 đến trưa 31/3, hơn 160 tàu đã di chuyển qua kênh đào Suez.
Theo chuyên gia về chuỗi cung ứng hậu cần quốc tế Diego Pantoja-Navajas, đợt "đóng băng" 6 ngày vừa qua tại tuyến đường hàng hải huyết mạch toàn cầu sẽ tạo ra hệ quả dây chuyển đối với vận chuyển hàng hóa đã xuất cảng lẫn trên kế hoạch.
"Mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu đã thiệt hại hơn 144 tiếng", ông ước tính.