Talwar có chiều dài 125 m, rộng 15,2 m, lượng giãn nước toàn tải 4.035 tấn. Ảnh: Military Today |
Theo Military Today, Talwar, còn được gọi Đề án 1135.6, là dự án tàu hộ vệ tên lửa do Nga thiết kế và chế tạo theo yêu cầu của Hải quân Ấn Độ. Chương trình được phát triển dựa trên tàu hộ vệ lớp Krivak III của Hải quân Nga.
Dự án được chính phủ hai nước ký hết vào năm 1997 với tổng giá trị 1 tỷ USD cho 3 tàu. Phòng thiết kế Severnoye tại Saint Petersburg chịu trách nhiệm thiết kế chi tiết cho dự án, nhà máy đóng tàu Baltisky Zavod đảm nhận nhà thầu chính. Khoảng 130 nhà cung cấp đến từ Nga, Ấn Độ, Anh, Đức, Đan Mạch, Belarus, Ukraine và một số nước khác tham gia cung cấp linh kiện và thiết bị liên quan cho dự án.
Tàu đầu tiên mang tên INS Talwar (F40) được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2002. Đến năm 2006, Ấn Độ ký hợp đồng mua thêm 3 tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar và giao cho nhà máy đóng tàu Yantar ở Kaliningrad thi công.
Chiến hạm tàng hình đầu tiên của Ấn Độ
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar được thiết kế theo công nghệ làm giảm tối đa mặt cắt radar giúp tàu khó bị phát hiện từ xa bởi radar của đối phương. Ngoài ra, người ta còn trang bị cho tàu một số công nghệ làm giảm tối đa bức xạ hồng ngoại và âm thanh phát ra từ tàu khi hoạt động.
Khi được đưa vào hoạt động trong năm 2002, INS Talwar trở thành chiến hạm có tính năng tàng hình đầu tiên của Hải quân Ấn Độ.
Talwar được vận hành bởi thủy thủ đoàn 190 người, thời gian hoạt động liên tục 30 ngày. Ảnh: Military Today |
Talwar sử dụng hệ thống cảm biến chính do Nga sản xuất gồm: Radar tìm kiếm mục tiêu trên không FREGAT-M2EM. Radar hoạt động ở băng tần E với 2 mảng ăng ten bố trí đối xứng nhau cung cấp 3 tham số mục tiêu (cự ly, phương vị và độ cao), phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa 300 km.
Hỗ trợ cho radar chính là radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước 3Ts-25E Garpun-B. Radar này hoạt động ở băng tần I, với 2 chế độ chủ động và thụ động cho việc tìm kiếm và phát hiện mục tiêu mặt nước tầm xa. Ở chế độ chủ động, phạm vi tìm kiếm mục tiêu của radar khoảng 250 km, ở chế độ thụ động phạm vi tìm kiếm lên đến 450 km.
Ngoài ra, hai bên đỉnh cột buồm còn được trang bị radar dẫn đường MR-212 và radar giám sát tầm ngắn Kelvin Hughes Nucleus-2 6000A. Tàu được trang bị hệ thống dẫn hướng quán tính Ladoga-ME-11356. Talwar sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp 5P-10E Puma, hệ thống này có khả năng tham chiến với 4 mục tiêu cùng lúc.
Tàu được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp TK-25-E5, hệ thống phóng mồi bẫy PK-10 cùng 4 hệ thống phóng KT-216. Với nhiệm vụ chiến tranh chống ngầm, tàu được trang bị hệ thống định vị thủy âm APSOH do Ấn Độ chế tạo. Ngoài ra, nhiệm vụ săn ngầm còn được sự hỗ trợ của sát thủ săn ngầm Ka-28.
Sát thủ diệt hạm đáng sợ nhất thế giới
Tàu được vũ trang pháo hạm A-190E 100 mm, có tốc độ bắn tối đa 60 viên/phút, tầm bắn tối đa 15,2 km. Đuôi tàu được trang bị 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần tích hợp pháo-tên lửa Kashtan, các tàu thuộc hợp đồng thứ 2 chuyển sang dùng pháo bắn siêu nhanh AK-630.
Về phòng không, tàu được trang bị hệ thống tên lửa hải đối không đa kênh Shtil với bệ phóng 3S-90 được đặt ngay phía sau pháo chính. Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 9M317 (NATO định danh SS-N-12) tầm bắn tối đa 50 km. Cơ số đạn tên lửa mang theo 24 quả được nạp tự động bằng một cánh tay từ ổ quay chứa đạn tên lửa dưới boong tàu.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Tarkash (F50) phóng tên lửa chống hạm BrahMos trong một cuộc tập trận. Ảnh: B
haratastra |
Vũ khí uy lực nhất của tàu là hệ thống phóng thẳng đứng VLS sử dụng 8 đạn tên lửa chống hạm 3M-54E Klub-N. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính và radar bán chủ động với tầm bắn 220 km, tốc độ pha cuối của tên lửa lên đến Mach 2.9 (3.484 km/h).
Các tàu thuộc hợp đồng thứ 2 chuyển sang dùng tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, tầm bắn 300 km. Tên lửa có thể diệt tàu chiến mặt nước hoặc tấn công mục tiêu trên đất liền. BrahMos có tốc độ pha cuối tới 3.700 km/h nên đánh chặn gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Giới quân sự thế giới đánh giá, BrahMos là sát thủ diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới.
Với nhiệm vụ chống ngầm, tàu được trang bị một hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000 với tầm bắn tối đa 4.300 m, độ sâu hoạt động lên đến 1.000 m. Hai cụm phóng ngư lôi chống ngầm 533 mm với 2 ống phóng/cụm sử dụng ngư lôi dẫn hướng âm thanh thụ động SET-65E/53-65KE , phạm vi hoạt động tối đa 16 km.
Tàu sử dụng hệ thống động lực COGAG (kết hợp 2 động cơ tuabin khí DS-71 với 2 động cơ tuabin khí DT-59), tổng công suất 64.070 mã lực, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ (58 km/h), dự trữ hành trình 4.850 hải lý.
Hiện tại, 6 tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar đang hoạt động trong biên chế Hải quân Ấn Độ góp phần hình thành sức mạnh tác chiến vượt trội cho New Delhi ở Ấn Độ Dương cũng như những vùng biển khác.
Talwar là dự án tàu chiến có tính năng tàng hình đầu tiên được đóng tại Nga, nhưng khách hàng không phải là Hải quân Nga. Thành công từ dự án Talwar đã thúc đẩy Hải quân Nga phát triển Đề án 11356P/M cho hải quân trong nước.