Việc chuyển dầu vào tháng 10 và tháng 11 cho thấy hoạt động buôn lậu từ Nga sang Triều Tiên đã chuyển sang hình thức giao hàng trên biển. Hồi tháng 9, tin tức Reuters cho hay tàu Triều Tiên trực tiếp đến Nga và mang nhiên liệu về nước.
Hai nguồn tin an ninh cấp cao Tây Âu cho hay việc bán dầu hay các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
"Các tàu Nga đã thực hiện việc cung cấp chất hóa dầu cho tàu Triều Tiên bằng phương thức chuyển hàng trên biển vài lần trong năm nay, vi phạm các lệnh trừng phạt", nguồn tin an ninh thứ nhất cho biết.
Tàu chở dầu Vityaz của Nga được cho là đã chuyển dầu trên biển cho tàu Triều Tiên hồi tháng 10. Ảnh: vetr.com. |
Nguồn tin an ninh thứ hai cũng xác nhận thông tin tàu Nga chuyển dầu cho tàu Triều Tiên, cho biết thêm rằng không cho bằng chứng cho thấy có sự liên quan của nhà nước Nga tới các hoạt động này.
"Không có bằng chứng nào cho thấy việc này được nhà nước hậu thuẫn, nhưng các tàu Nga này đang mở ra đường sống cho người Triều Tiên", nguồn tin thứ hai nói.
Hai nguồn tin an ninh đề cập tới các tin tình báo hải quân và hình ảnh vệ tinh của các tàu đang hoạt động ở cảng Viễn Đông của Nga trên Thái Bình Dương, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết, cho hay đây là thông tin mật.
Bộ Ngoại giao Nga và Cục Hải quan Nga từ chối bình luận về vấn đề này. Chủ của một trong các tàu bị cáo buộc buôn lậu dầu sang Triều Tiên phủ nhận tiến hành các hoạt động này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần trước nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, hạn chế quốc gia Đông Á tiếp cận các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và dầu thô. Nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm gần 90% lượng xuất khẩu dầu tinh chế sang Triều Tiên bằng cách hạn chế số lượng còn 500.000 thùng mỗi năm.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất cũng hạn chế cung cấp dầu thô cho Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng mỗi năm và cam kết Hội đồng sẽ tiếp tục cắt giảm nếu Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân khác hoặc phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa khác.
Triều Tiên phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu để duy trì hoạt động của nền kinh tế đang gặp khó khăn. Bình Nhưỡng cũng cần dầu để phục vụ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Mỹ lên án là đe dọa hòa bình ở châu Á.
Số vụ phóng thử tên lửa dưới thời các lãnh đạo của Triều Tiên. Đồ họa: CNN.
|