Theo Guardian, tàu Ever Given bắt đầu mắc kẹt tại kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải và vịnh Suez vào ngày 23/3, khiến giao thương đường thủy tại đây tắc nghẽn. Các cơ quan chức năng đã cố khơi thông kênh nhưng thất bại.
Một số báo cáo cho biết Ever Given có thể đã bị mất điện, khiến nó trôi ngang làm tắc nghẽn kênh.
Tàu container không lồ Ever Given nằm chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Julianne Cona. |
Ever Given nặng 220.000 tấn, dài 400 m, thuộc loại tàu hàng hải mới, được gọi là tàu container siêu lớn (ULCS). Một số tàu loại này thậm chí còn lớn đến nỗi khó có thể qua được kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, theo các chuyên gia về chuỗi cung ứng.
Ever Given thuộc sở hữu của một công ty vận tải Đài Loan tên Evergreen và được đăng ký tại Panama. Con tàu được cho là đang vận chuyển hàng trăm container từ Trung Quốc đến Rotterdam, Hà Lan.
Hình ảnh do thủy thủ từ tàu Maersk Denver - cũng đang di chuyển trên kênh - chụp lại cho thấy Ever Given nằm chắn ngang tuyến đường thủy huyết mạch. Ai Cập đã gửi một số tàu kéo đến để mở lại dòng chảy nhưng Ever Given quá lớn so với chúng. Một máy đào cơ giới hóa cũng được gửi đến để đào đất nhằm giải phóng con tàu.
Cô Julianne Cona, người đã đăng bức ảnh, cho biết: “Một nhóm tàu kéo nhỏ đã đến để kéo con tàu mắc kẹt nhưng không được. Một chiếc máy xúc nhỏ đang cố gắng đào đất chỗ mũi tàu ra”.
Trang web giám sát vận chuyển Vesselfinder.com cũng đưa ra báo cáo tương tự. Họ nói rằng tại hai đầu kênh đang có tình trạng ùn tắc.
Cơ quan giám sát thương mại TankerTrackers.com cho biết trên Twitter rằng rất nhiều tàu chở dầu của Saudi, Nga, Omani và Mỹ đang bị kẹt lại ở cả hai đầu kênh.
Vị trí tàu Ever Given mắc kẹt. Ảnh: Guardian. |
Thông thường, các con tàu nối đuôi nhau để đi qua kênh Suez theo hai hướng bắc và nam. Ever Given đang đi về hướng bắc khi sự cố xảy ra, theo đại lý hãng tàu GAC.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất trên thế giới, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và các tuyến vận tải biển đến châu Á. Kênh đào dài 190 km, rộng 205 m và sâu 24 m.
Hàng chục tàu container khổng lồ di chuyển qua kênh Suez mỗi ngày. Vì vậy, bất kỳ sự cố tắc nghẽn lâu nào cũng có thể gây ra trì trệ nghiêm trọng cho giao thương.