Du khách thường quen hơn với cảnh tượng những người lướt ván diều hay chèo thuyền kayak ngoài khơi bờ biển bình dị của thành phố Umm Al Quwain ở Các vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Thế nhưng, nay nhiều người tập trung ở đây, bên những chiếc ghế tắm nắng để nhâm nhi cà phê và hướng mắt về phía tàu chở dầu 5.000 tấn gần bãi cát.
Tuy nhiên, với thủ thủy đoàn bên trong con tàu MT Iba mang cờ Panama, phải đáp trên bãi biển đánh dấu một chương khốn khổ khác trong thử thách gần 4 năm trên biển.
Tàu MT Iba trên bãi biển ở Umm Al Quwain. Ảnh: Reuters |
Đây là một trong những vụ thuyền viên bị bỏ rơi tồi tệ nhất.
Những người khốn khổ
Bị chủ tàu bỏ rơi, không được trả lương suốt 32 tháng, thủy thủ đoàn gồm 5 người của con tàu Iba trị giá 4 triệu USD rơi vào tình trạng khốn cùng. Nếu rời tàu, họ sẽ có thể mất toàn bộ số tiền thù lao hàng trăm USD bị nợ.
Nay Win, kỹ sư trưởng, 53 tuổi, người Myanmar, có hợp đồng làm việc trên tàu 1 năm vào 2017. Anh cho biết thủy thủ đoàn đã phải chịu đựng sự khổ sở khủng khiếp trên tàu và vô cùng lo lắng cho gia đình. “Tôi không thể gửi tiền về đỡ đần gia đình, con tôi không thể đi học, gia đình bị thiếu ăn và phải đi vay nợ”.
Vợ của Nay Win - Naing Naing Maw - cùng con gái Eyi Myat Mon, 17 tuổi, và con trai Lwin Moe Aung, 21 tuổi - đang sống ở đất nước gặp chính biến. “Tôi rất lo lắng về gia đình, về Covid-19 và tình hình chính trị. Tôi chỉ biết nói với gia đình ở xa: Hãy ở trong nhà, đừng đi ra ngoài”, anh Nay Wi chia sẻ với Guardian hôm 15/2.
Câu chuyện bắt đầu như một chuyến đi biển bình thường, rồi biến thành “địa ngục trần gian” - Nay Wi kể lại - sau khi chủ sở hữu con tàu, hãng Alco Shipping - từng là một trong những công ty vận tải biển lớn nhất UAE - rơi vào tình trạng khó khăn tài chính và ngừng trả lương gần 3 năm trước. Kể từ đó, những thuyền viên trên tàu buộc phải sống dựa vào lương thực và nước uống từ thiện.
Nói với Guardian qua WhatsApp, Win cho biết anh đã không thể cho con trai đi học đại học và không kham nổi hóa đơn chữa bệnh cho con gái bị bệnh tim.
Nay Win, trái, và các thuyền viên khác của tàu MT Iba nhìn ra biển ở Umm Al Quwain. Ảnh: Reuters. |
Win và Riasat Ali, 52 tuổi, một kỹ sư khác từ Pakistan, đã lên tàu từ tháng 7/2017. Monchand Sheikh, 26 tuổi, đầu bếp đến từ Ấn Độ, lên tàu từ cuối năm 2018, trong khi Vinay Kumar, 31 tuổi, kỹ sư, và Nirmal Singh-Bora, 22 tuổi - cả hai đều là người Ấn Độ - bắt đầu hành trình vào cuối năm 2019.
Chúng tôi đã phải nếm trải địa ngục trong chuyến đi này
Vào tháng 1 vừa qua, con tàu - gần như đã cạn nhiên liệu - bị gãy hai chiếc neo ở vùng biển động tại cảng Al Hamriya, phía bắc Dubai, thủy thủ đoàn đã trải qua 12 tiếng kinh hoàng khi con tàu Iba bị nghiêng 45 độ và bắt đầu trôi dạt trong vùng nước đông đúc của Vùng Vịnh, trước khi mắc cạn trên cát, cách bãi biển vài mét.
“Tôi đã thông báo cho chủ tàu rằng dây xích neo có thể bị đứt bất cứ lúc nào, nhưng họ không quan tâm”, Win cho biết.
"Chúng tôi đã phải nếm trải địa ngục trong chuyến đi này", Kumar, một người cha có hai con, nói. “Mỗi ngày chúng tôi đều cầu nguyện, đó là hy vọng duy nhất của chúng tôi”, anh nói với National, một tờ báo của UAE.
Tàu MT Iba phải vào bãi biển sau khi hai mỏ neo bị gãy. Ảnh: Reuters. |
Các thuyền viên cho biết họ bị nợ lương 230.000 USD. Alco Shipping đã bị chính phủ Ấn Độ đưa vào danh sách đen vào năm 2018 do các vụ bỏ rơi thuyền viên.
Nếu các thuyền viên đặt chân lên đất liền, họ có nguy cơ bị giam giữ vì không có giấy tờ hợp pháp. Hộ chiếu của Win, đã hết hạn trong khi anh lênh đênh trên biển, vẫn nằm trong tay chủ tàu. Và chính biến xảy ra ở quê nhà, Win sẽ khó có thể tìm được một tấm hộ chiếu mới. Hơn nữa, luật pháp quốc tế cấm “tàu ma” trên biển không có thủy thủ đoàn vì lo ngại nguy hiểm.
Bi kịch chồng chất
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cho biết các vụ thuyền viên bị bỏ rơi đang ở mức cao kỷ lục, và trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19. Các điểm nóng về vấn đề này là Trung Đông và châu Á, với UAE đứng đầu danh sách vào năm 2020, tiếp theo là Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Liberia, Malta và Panama là những quốc gia có nhiều trường hợp bỏ rơi thuyền viên nhất trong năm 2020, theo dữ liệu của IMO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Mohamed Arrachedi, điều phối viên mạng lưới thế giới Arab và Iran cho Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF), nói rằng trong khi nhiều vụ bỏ rơi thuyền viên có thể được giải quyết nhanh chóng, một số trường hợp mất nhiều thời gian hơn vì nhiều lý do, bao gồm cả sự thiếu hợp tác từ chủ tàu và thuyền viên không có bảo hiểm.
Ông Arrachedi nói: “Không thể chấp nhận được việc các thuyền viên bị giữ làm con tin trên tàu trong một thời gian dài như vậy. Quyền lợi cũng như phúc lợi của họ bị bỏ qua. Các thuyền viên phải là trọng tâm của các hành động trong những trường hợp bị bỏ rơi”.
Con tàu và các thuyền viên trở thành chủ đề gây tò mò với các du khách. Ảnh: Reuters. |
Tổ chức Mission to Seafarers - nơi cung cấp thức ăn cho các thuyền viên trên tàu Iba vào tháng trước - hy vọng các cuộc đàm phán để đưa thủy thủ đoàn hồi hương có thể sớm kết thúc.
Rev Andy Bowerman, giám đốc khu vực của tổ chức từ thiện ở Trung Đông và Nam Á, cảnh tượng du khách tận hưởng trên bãi biển và thủy thủ đoàn vật lộn trên tàu tạo nên một sự tương phản trần trụi. “Mọi người đến và ngồi trên ghế xếp trên bãi biển, uống cà phê và xem những thuyền viên trên tàu. Đó là một tình huống kỳ lạ. Nhưng đây là những số phận thật đang trong một tình cảnh thực sự ”.
Ông Bowerman, người đang giúp dàn xếp các cuộc đàm phán giữa Alco và thủy thủ đoàn, cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng một khi họ vào bãi biển, vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn”.
“Thế nhưng, đã hai tuần rưỡi trôi qua. Giới chức trách cần suy xét kỹ lưỡng hơn. Những người đàn ông này đã phải ở trên một con tàu, không được trả lương, sống dựa vào các tổ chức từ thiện để có thức ăn và nước uống. Nếu có luật hàng hải chặt chẽ, con tàu này sẽ bị bắt giữ và đem ra đấu giá gần như ngay lập tức”.
Sau một vụ thuyền viên bị bỏ rơi khác được Guardian phản ánh vào năm 2019, UAE cho biết giới chức trách đang thảo luận luật bắt giữ các tàu bị bỏ rơi. Vào năm 2018, nước này đã đưa ra các quy định tương tự như sửa đổi công ước lao động hàng hải, trong đó yêu cầu các tàu phải mua bảo hiểm, để đảm bảo những thuyền viên bị bỏ rơi được trả 4 tháng lương. Tuy nhiên, những thay đổi này quá muộn đối với nhiều thuyền viên tàu Iba, bởi họ đã bị bỏ rơi vào năm 2017.
Người tiếp quản công ty Alco Shipping là ông Syed Waqar Hasan, trong khi anh trai Syed Ijaz Hasan - chủ cũ của con tàu - đã bị bỏ tù từ năm 2017 vì những vi phạm tài chính.
“Tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề”, ông Waqar Hasan nói với Guardian. “Tôi rất thông cảm với thủy thủ đoàn, nhưng lúc này tôi đang bị ‘trói tay’. Alco Shipping không có tiền. Công ty đã bị phá sản”.
“Sự việc khác phức tạp. Iba bị thế chấp cho ngân hàng. Nợ tồn đọng quá nhiều, tiền nợ lương chồng chất. Nhưng chúng tôi đã tìm được một người mua tàu. Người này sẵn sàng trả cho thủy thủ đoàn 142.000 USD tiền lương còn nợ, cộng với 8.000 USD chi phí hồi hương. Song, không rõ các thuyền viên có chấp nhận hay không”, ông Waqar Hasan nói với Guardian.
Cũng theo lời ông Waqar Hasan, con tàu trị giá 4 triệu USD, nhưng các khoản nợ của nó lên tới 1,95 triệu USD.