Coco không biết khi nào mới có thể gặp lại cha mẹ. Người phụ nữ 30 tuổi này làm việc cho một hãng du thuyền quốc tế. Cô vốn định trở lại với gia đình ở miền Bắc Trung Quốc vào tháng 3, nhưng cô và thủy thủ đoàn hiện mắc kẹt ở biển Địa Trung Hải. Cho đến nay, cô đã rời đất liền được 9 tháng, theo South China Morning Post.
Quy định hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới để ngăn Covid-19 lây lan khiến nhiều du thuyền bị các cảng trên khắp thế giới quay lưng. Ngành du lịch suy thoái vì đại dịch cũng là một trong những lý do khiến hàng chục nghìn thành viên thủy thủ đoàn của các tàu này bị mắc kẹt giữa biển.
Ngoài thủy thủ đoàn, hàng trăm nghìn người đi biển cũng đang mệt mỏi vì mắc kẹt trên tàu. Một số người đã ở ngoài khơi 15 tháng, theo tuyên bố từ Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế Kitack Lim.
Nhiều du thuyền bị từ chối cập cảng vì lo ngại Covid-19 xâm nhập vào đất liền. Ảnh: AP. |
Chật vật chờ được cập bờ
Coco đặc biệt lo ngại về vấn đề cạn kiệt thực phẩm và vật tư y tế - như rau, trái cây và khẩu trang. Một số thành viên phi hành đoàn bị nghi nhiễm Covid-19 và đã được cách ly trong phòng riêng.
"Nhiều người trong chúng tôi đã lênh đênh trên biển trong nhiều tháng và rất lo lắng khi không thể sớm quay về nhà. Tôi hy vọng thảm kịch này không xảy ra", Coco nói.
Stewart Chiron, chuyên gia phân tích ngành du lịch biển ở Miami (Mỹ), ước tính rằng gần 35.000 thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm cả những người quốc tịch Trung Quốc, vẫn bị mắc kẹt trên biển. Tuần trước, con số này ở mức cao hơn là khoảng 60.000 người.
Nhiều hãng du thuyền lớn cho biết trong số các thuyền viên chưa được trở về nhà có công dân Trung Quốc, và phải mất một thời gian nữa chính phủ nước này mới cho phép thuyền cập cảng nhằm ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 mới xâm nhập vào đất liền.
Bắc Kinh trong tuần này đã tuyên bố lệnh phong tỏa mới sau khi phát hiện ổ dịch liên quan đến khu chợ Tân Phát Địa.
Trong khi đó, các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ và Philippines, đang chật vật đưa hàng trăm người trở về đất liền sau khi lênh đênh trên biển trong nhiều tháng. Người phát ngôn của Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA) cho biết tổ chức này đã giúp "hàng nghìn" thuyền viên hồi hương.
"Tuy nhiên, do hạn chế đường hàng không quốc tế và đóng cửa biên giới, việc hồi hương thuyền viên là rất phức tạp, thậm chí còn phức tạp hơn do mỗi quốc gia lại có chính sách khác nhau", phát ngôn viên này nói.
Công nhân mặc quần áo bảo hộ chuẩn bị trước khi hành khách rời du thuyền Diamond Princess, bị cách ly ở Nhật Bản vào tháng 2 do lo ngại Covid-19. Ảnh: AFP. |
"Không có tin vui cho thuyền viên Trung Quốc"
Chuyên gia phân tích Chiron cho biết các du thuyền hiện có hai sự lựa chọn. Họ có thể cho thuyền viên cập bến tại các cảng khác nhau trên thế giới, hoặc neo đậu ở vùng biển nước ngoài và chờ đọi nới lỏng lệnh phong tỏa. Tính đến tuần này, có khoảng 24 du thuyền neo đậu ở vịnh Manila của Philippines, không thể cập cảng.
Du thuyền của Coco lựa chọn phương án thứ nhất. Ban đầu, du thuyền này cập cảng New Orleans, Mỹ, vào đầu tháng 3. Sau đó con tàu đi đến Miami và thuyền viên từ đó được hồi hương trong vài tuần tiếp theo. Công ty lữ hành đã giúp họ liên lạc với các đại sứ quán và đặt vé máy bay cho họ rời khỏi Mỹ.
"Thuyền viên từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và một số quốc gia châu Âu đã tìm cách đặt vé máy bay thương mại về nhà. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc nói không thể giúp được gì. Cơ quan này phát khẩu trang trên máy bay, và chỉ có thế thôi", Coco nói.
Kể từ tháng 4, du thuyền của Coco đi từ cảng này tới cảng khác với hy vọng được cập bến. Có 3.000 thuyền viên còn lại trên tàu, và 10% trong số họ đến từ Trung Quốc đại lục, số khác đến từ Ấn Độ và Philippines, Coco cho biết.
Sau khi bị cảng Barcelona từ chối, tàu của Coco hiện ở gần vùng biển Italy. Họ sẽ tới Mumbai và Goa cho nhóm thuyền viên Ấn Độ cập bờ và hai tuần sau, họ dự định cập cảng ở Manila cho nhóm thuyền viên Philippines hồi hương.
Du thuyền Ruby Princess được cập cảng Manila ngày 7/5 sau nhiều ngày bị từ chối vào bờ. Ảnh: AP. |
Coco cho biết 300 thuyền viên từ Trung Quốc đại lục đang cảm thấy "lạc lối", "Tôi buồn khi chính sách thay đổi mỗi ngày. Công ty cho chúng tôi hy vọng, rồi sau đó lại nói chúng tôi không thể rời đi. Mỗi ngày đều có thông tin chuyến bay từ tất cả quốc gia khác nhưng thuyền viên người Trung Quốc không bao giờ nhận được tin vui", Coco nói với South China Morning Post.
Người phụ nữ 30 tuổi hy vọng con tàu có thể cập cảng Thượng Hải vào tháng 7. Tuy nhiên, công ty điều hành con tàu cho biết cảng này sẽ không nhận tàu, nghĩa là công dân Trung Quốc không thể cập bờ ở đó.
"Một nhóm người lao động bị bỏ rơi"
Nhiều thuyền viên Trung Quốc, bao gồm cả Coco, đã giãi bày hoàn cảnh của mình và thể hiện sự tuyệt vọng trên mạng xã hội. Trong số đó có bài đăng của Trista vào ngày 4/6 cho biết cô đã mắc kẹt giữa biển được 128 ngày.
"Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, mỗi lần đều là tin xấu từ đại sứ quán", Trista viết và chia sẻ thêm rằng trên tàu của cô đã có vài trường hợp nhiễm Covid-19. "Nếu đây không được coi là nguy hiểm thì thế nào mới phải? Làm thế nào chúng tôi mới được Đại sứ quán Trung Quốc giúp đỡ? Chúng tôi là một nhóm người lao động bị bỏ rơi", người này viết thêm.
Một số du thuyền phải lênh đênh trên biển nhiều tháng giữa đại dịch trước khi được phép cập bờ. Ảnh: Kyodo. |
Trong tuyên bố qua fax hôm 18/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đang hợp tác với các bộ khác để bảo vệ quyền lợi của thủy thủ đoàn Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc coi trọng vấn đề sức khỏe và sự an toàn của các thủy thủ Trung Quốc ở nước ngoài. Cơ quan này cho biết thêm rằng các Đại sứ quán Trung Quốc đã cử nhân viên tiếp đón, hướng dẫn và gửi vật tư y tế cho các thủy thủ.
"Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ thủy thủ đoàn Trung Quốc ở nước ngoài, giải quyết những khó khăn thực tế mà họ gặp phải và bảo vệ sức khỏe, an toàn và quyền lợi hợp pháp của họ", Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết trong tuyên bố nhưng không đề cập đến các bước tiếp theo để đưa công dân hồi hương.
Đường dây nóng bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao nước này trước đó cho biết họ không thể giúp gì, và mọi quyết định đều thuộc về Đại sứ quán Trung Quốc ở nơi du thuyền cập cảng.