Trả lời câu hỏi vì sao chỉ sau 3 ngày được đăng kiểm, tàu cao tốc cánh ngầm đã bốc cháy?, ông Phạm Ninh cho biết Bộ GTVT đã giao cho Cảng vụ Hàng hải TP.HCM chịu trách nhiệm kiểm tra làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố cháy tàu cao tốc cánh ngầm và UBND TP cũng thành lập một đoàn kiểm tra để tìm nguyên nhân sự cố cháy tàu.
"Do đó, chỉ khi nào xác định rõ nguyên nhân sự cố cháy tàu mới nói rõ ai chịu trách nhiệm", ông Ninh nói.
Tàu cánh ngầm bất ngờ bốc cháy trên sông Sài Gòn trưa 20/1. |
Về việc hàng loạt sự cố tàu cao tốc cánh ngầm dù các tàu này đều được kiểm định, theo ông Ninh chưa có cơ quan nào nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra sự cố. Trong thực tế có sự cố chết máy là do chân vịt bị cuốn rác nên tàu dừng chạy, hoặc do chủ tàu sử dụng loại nhiên liệu nào đó khiến tàu không hoạt động được…
Cơ quan đăng kiểm đã yêu cầu các chủ tàu tự thống kê các sự cố và các đơn vị quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu hoặc các cơ quan cảng vụ hàng hải cần thông báo để đăng kiểm phối hợp kiểm tra làm rõ nguyên nhân, nhằm xác định trách nhiệm và để tránh tái diễn sự cố.
Trả lời câu hỏi trách nhiệm của ngành đăng kiểm ra sao trong sự cố cháy tàu?, ông Phạm Ninh cho biết: "Từ sự cố cháy tàu cánh ngầm, các đăng kiểm viên trực tiếp kiểm định con tàu đã có báo cáo giải trình và chúng tôi cũng có báo cáo giải trình với Bộ GTVT. Chắc chắn ở vụ cháy tàu này Bộ GTVT sẽ thanh tra, kiểm tra đơn vị kiểm định (Chi cục đăng kiểm số 6)".
Được chất vấn rằng bao giờ mới loại bỏ tàu cao tốc già cỗi và nên chăng loại bỏ các loại tàu này cùng với các tàu cao tốc có một máy, ông Phạm Ninh nói: "Hiện nay, tuổi thọ tàu cao tốc đang sử dụng thấp nhất cũng là 19 năm và cao nhất là 25 năm. Chúng tôi đang chờ cấp có thẩm quyền ban hành qui định về niên hạn tuổi tàu cao tốc. Trước đó, Bộ GTVT đã qui định tàu đã sử dụng trên 20 năm thì kiểm định 1 lần/năm, sau đó đã rút xuống kiểm định 1 lần/6 tháng. Đơn vị đăng kiểm đang tăng cường kiểm tra tàu cao tốc nhằm bảo tàu hoạt động an toàn".