Vua chúa làm lễ hạp hưởng cung thỉnh các bậc tiên đế về dự Tết sớm hơn, vào ngày 22 tháng chạp. Lệ xưa, các quan lại làm lễ rước tổ tiên vào buổi sáng và dân chúng làm lễ rước ông bà của mình vào buổi chiều.
Theo miêu tả hồi đầu thế kỷ XX, cảnh tượng lễ rước ông bà ở Nam Kỳ thật trang nghiêm. Tất cả cửa lớn, cửa sổ đều mở toang. Người ta đốt nhang, cắm dày theo hai bên lối đi từ cổng vào cửa chính cốt để vong hồn tổ tiên biết lối về nhà.
Trẻ con mặc đồ mới tươm tất và mặt mày hớn hở. Chủ nhà hay con trai trưởng, hoặc người lớn nhất theo thứ tự trực hệ, mặc lễ phục đàng hoàng và giữ vẻ mặt tươi tắn nhưng trang nghiêm đứng ra thực hành việc tế tự. Khi lễ vật được bày biện đâu vào đó, chủ lễ bắt đầu thắp đôi đèn sáp và đốt hương.
Lễ lạy có 4 lạy. Lạy xong, chủ lễ bỏ trầm vào lư để đốt lên. Lễ xong bàn thờ tổ tiên bên nội, chủ lễ đến lễ bái tổ tiên họ ngoại... Kế tiếp là vợ và con, cháu lần lượt lễ bái tổ tiên.
Sách Khảo luận về Tết. Ảnh: Q.M. |
Chủ lễ đứng hầu bên bàn thờ, thỉnh thoảng châm thêm rượu vào chung, cốt đủ ba tuần rượu. Khi nhang tàn, chủ lễ rót nước trà và tiến hành lễ bái tạ. Kể từ giờ phút đó đến lễ tiễn ông bà vào ngày mùng 4, tổ tiên luôn hiện diện ở đây.
Do đó, hàng ngày bày biện lễ vật cúng 2 lần chính và hai lễ phụ với bánh, mứt, kẹo, trà. Một cách tổng quát, tập tục thờ cúng tổ tiên có lịch sử lâu đời và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc ta.
Việc thờ cúng tổ tiên, một mặt, biểu thị lòng hiếu kính, khiến con cháu biết giữ lấy lòng “Báo bản tư nguyên” và thủ nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”; mặt khác, việc thờ cúng tổ tiên còn là hành vi tôn giáo sùng bái linh hồn, trên cơ sở tín lý linh hồn bất diệt.
Theo đó, tập hợp vong hồn tổ tiên trở thành một trong các gia thần có công năng giám sát và phù hộ cho con cháu. Việc tế tự tổ tiên trong Tết Nguyên đán khởi đề từ lễ rước ông bà vào ngày cuối năm, thường tổ chức vào buổi chiều hôm đó, gọi chung là lễ cúng tất niên.
Về chức năng, lễ rước tổ tiên này có phần giống như lễ tiên thường trước ngày giỗ/kỵ, nhằm cung thỉnh vong linh người quá vãng về dự hưởng ngày giỗ chính. Điểm khác, đối tượng của lễ rước tổ tiên cuối năm là tất cả vong linh tổ tiên chứ không phải đối tượng chính của từng cuộc cúng giỗ.
Ở đây, cũng cần lưu ý một điều là theo Gia lễ của Nho giáo, tập tục thờ tự tổ tiên chủ vào 4 đời, tính từ thế hệ của người đảm nhận việc thờ tự tổ tiên của từng gia tộc.
Quy định “Ngũ đại mai thần chủ”: Tổ tiên đời thứ năm không thờ cúng nữa, và thần chủ/ bài vị của bậc tổ tiên đó phải đem chôn.
Đây là quy phạm được tuân thủ lâu đời, đã trở thành truyền thống, song do tín niệm linh hồn bất tử nên linh hồn các bậc tổ tiên nhiều đời, thần chủ đã được chôn, vẫn được coi là còn tồn tại trên cõi thiêng và vẫn là đối tượng cung thỉnh về dự lễ Tết, thậm chí cả trong các tế tự, giỗ quảy khác với tư cách là các vong hồn tổ tiên được cung kính thỉnh mời rằng “Đồng lai dự hưởng”.
Việc tế tự tổ tiên, ngoài việc tỏ bày lòng “báo bản tư nguyên” còn cầu linh hồn tổ tiên ban phúc, giúp gia đình/gia tộc hưng thịnh, mùa màng bội thu, vật nuôi phát triển, và việc làm ăn, học hành, thi cử... đều được hanh thông.
Nói cách khác, linh hồn tổ tiên là một loại gia thần hay rộng hơn là tập hợp phúc thần. Các dữ liệu dân tộc học cho thấy một số tộc người chỉ thờ cha mẹ, hoặc cha mẹ và ông bà nội là “ma nhà” (hiểu là vong linh thân tộc bảo hộ/giám sát con cháu hiện tiền sống trong gia đình) và tổ tiên thuộc thứ bậc trên (cố, cụ...) là ma mường, ma bản, ma nương, ma rẫy... tức tập hợp các bậc tổ tiên không thờ tự làm “ma nhà” vẫn là các vong linh bảo hộ cộng đồng.
Điều này chỉ ra rằng toàn bộ vong linh tổ tiên quá vãng là đối tượng được cung thỉnh trong lễ rước tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tín ngưỡng sùng bái tổ tiên được các nhà nghiên cứu cho rằng được xác lập từ chế độ thị tộc phụ hệ thuộc hậu kỳ xã hội nguyên thủy.
Về sau, với ảnh hưởng Nho giáo, việc tế tự tổ tiên được xác định là một chuẩn tắc của quy phạm hiếu đạo - nền tảng của chế độ tông pháp, nên trong chừng mực nào đó, tín ngưỡng sùng bái tổ tiên càng lúc có được vị trí áp đảo việc sùng bái thiên thần.
Do đó, việc tế tự tổ tiên có vị trí đặc biệt quan trọng trong ba ngày Tết. Khởi đi từ lễ rước tổ tiên đến lễ tiễn ông bà (mùng 3 hay mùng 4 Tết), thế gian bước vào một cảnh giới thiêng: Vong linh tổ tiên quá vãng cùng chung sống với cháu con.
Cảnh giới âm - dương song tồn này trong chừng mực nào đó tương đồng với khoảnh khắc thời gian mở cửa địa ngục của ngày rằm tháng bảy âm lịch, tức lễ vía Địa quan giải tội của Đạo giáo, hay lễ Vu Lan xá tội vong nhân của Phật giáo.
Chính vì vậy, Tết không chỉ là thời điểm thiêng của trời đất mà còn là cuộc sống đặt dưới sự chứng giám của tổ tiên. Do vậy, con cháu phải thận trọng từ lời ăn tiếng nói đến mọi hành vi.
Người ta tin rằng những gì diễn ra trong ngày đầu năm đều có tác động đến mọi việc tốt xấu trong cả năm và việc tế tự tổ tiên trong ba ngày Tết cũng được chú trọng sao cho tươm tất và trang nghiêm từ việc thực hiện tế tự đúng theo lễ nghi truyền thống đến việc chuẩn bị các lễ vật, cúng phẩm sao cho hợp lễ.