"Tất cả chúng ta đều thua cuộc nếu căng thẳng leo thang. Do vậy, điều quan trọng là phải duy trì đối thoại cởi mở về những lo ngại giữa đôi bên, nhằm ngăn chặn những vướng mắc tiếp diễn, ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể giữa ASEAN với Trung Quốc", Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan phát biểu trước quốc hội.
Channel News Asia cho biết, ông nhắc lại quan điểm của Singapore về tình hình Biển Đông là ASEAN và Trung Quốc duy trì cam kết hợp tác hướng tới thực thi hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC), sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. Ảnh: Straits Times |
Dựa trên DOC, Ngoại trưởng Singapore cho biết Bộ Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu xúc tiến thành lập đường dây nóng về cho những tình huống hàng hải khẩn cấp, các bên nhất trí gia hạn thực thi quy tắc hành xử cho những tình huống bất ngờ trên biển (CUES).
Theo ông Balakrishnan, Singapore cũng đề xuất CUES giữa ASEAN và Trung Quốc cần áp dụng đối với cả tàu hải quân và tàu cảnh sát biển. "Việc này sẽ gửi tín hiệu tích cực về cam kết của đôi bên, nhằm ngăn chặn thiệt hại về người và của, qua đó bảo đảm hòa bình và ổn định trên Biển Đông".
Biển Đông trở thành điểm nóng trong khu vực khi Trung Quốc có những yêu sách chủ quyền phi lý. Đồ họa: WSJ |
Ngoại trưởng Singapore cũng thông báo tiến độ về thảo luận COC. "Chúng tôi đã thống nhất văn kiện về những yếu tố một kịch bản khả thi của COC và văn kiện về những vấn đề then chốt và phức tạp trong việc soạn thảo COC".
Ông Balakrishnan cho biết, phía Việt Nam đề xuất giải pháp "không sử dụng vũ lực trước tiên" và Singapore ủng hộ quan điểm này.
"Trước đây, Trung Quốc cũng từng ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) vốn nêu rõ tất cả các bên kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa", ngoại trưởng Singapore nhắc lại.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh vẽ ra cái gọi là đường 9 đoạn hay đường lưỡi bò cùng sự nhập nhèm của nó nhằm từng bước hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên tuyến hàng hải huyết mạch, với 40% lượng hàng hóa toàn cầu lưu thông.
Trong những lần phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục nhấn mạnh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.