Với tranh chấp trên Biển Đông, hải đăng phi pháp của Trung Quốc trên các đá và rạn san hô của Việt Nam đang gây ra nhiều mối quan ngại. Nó vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS ) cũng như tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông giữa các nước có tranh chấp.
Hải đăng phi pháp của Trung Quốc trên đá Xu Bi, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Các quy tắc của luật pháp quốc tế là công cụ vô giá để giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền trên biển - một vấn đề khó trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, theo Diplomat, nếu một bên cố tình hiểu sai hoặc chỉ hiểu một phần các quy định của luật pháp, tình hình sẽ rơi vào bế tắc đồng thời làm phức tạp thêm quan hệ giữa các quốc gia.
Không có giá trị pháp lý
Luật biển là một phần của luật pháp quốc tế. Theo UNCLOS, mỗi quốc gia được vẽ đường cơ sở dọc theo bờ biển của mình và thiết lập vùng biển tính từ đường cơ sở đó. Vùng nước phía trong đường cơ sở là nội thủy trong khi vùng biển 12 hải lý phía ngoài là lãnh hải.
Một học giả Đài Loan, Trung Quốc trích Điều 7 và Điều 47 của UNCLOS nói rằng một quốc gia ven biển có thể vẽ đường cơ sở thẳng từ hải đăng mà họ xây dựng trên một vùng ngập nước khi thủy triều rút. Tuy nhiên, Trung Quốc không có quyền được áp dụng quy định này tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quan điểm trên chưa phản ánh đúng và đầy đủ toàn bộ Công ước năm 1982.
Theo đó, nguyên tắc chung cho việc vẽ đường cơ sở của một quốc gia ven biển được quy định tại Điều 5 của UNCLOS. Nó được lựa chọn tại những điểm ngoài cùng nhất nhô ra biển khi thủy triều ở mức thấp nhất (trung bình nhiều năm). Điều 7 được bổ sung khi bờ biển của một quốc gia thụt vào trong hoặc có các đá và rạn san hô nằm gần bờ.
Toà án Công lý Quốc tế cho rằng các quy tắc vẽ đường cơ sở thẳng sẽ luôn được thực thi. Các trường hợp đặc biệt sẽ được xem xét với những điều kiện cụ thể và được áp dụng “hạn chế”. Tuy nhiên, Trung Quốc cố tình hiểu sai UNCLOS dù là thành viên của công ước. Bắc Kinh tuyên bố sử dụng biện pháp vẽ toàn bộ đường lãnh hải theo quy định ở các trường hợp đặc biệt thay vì vẽ như quy định.
Bắt đầu từ năm 1992, phương pháp ngang ngược được Trung Quốc áp dụng triệt để. Trung Quốc tạo ra các đường cơ sở xung quanh đảo, đá và rạn san hô mà nước này tuyên bố chủ quyền. Nhiều quốc gia phản đối việc làm của Trung Quốc, trong đó có Mỹ, nhưng Bắc Kinh vẫn bỏ ngoài tai.
Trong khi đó, điều 16 của UNCLOS nêu rõ Trung Quốc phải công bố tọa độ của tất cả các đường cơ sở. Bắc Kinh vẫn mập mờ về điều này dù vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1996 và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này tranh chấp với Nhật Bản vào năm 2012. Trung Quốc chưa công bố đường cơ sở xung quanh các thực thể chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dựa vào điều 7.4 của UNCLOS, học giả Đài Loan, Trung Quốc cho rằng hải đăng ở Trường Sa có thể là căn cứ để Bắc Kinh vẽ đường cơ sở thẳng xuống quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không nằm trong diện được áp dụng các quy định cho việc vẽ đường lãnh hải đặc biệt. Việc Trung Quốc xây hải đăng ở Trường Sa hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Ngoài ra, điều 13 của UNCLOS cũng khẳng định các rạn san hô chìm dưới mặt nước khi thủy triều xuống thấp không có lãnh hải riêng nếu nó nằm xa đất liền. Việc xây dựng trên các thực thể này không thể tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh nó. Điều 60.8 và 80 của UNCLOS cũng khẳng định quá trình bồi lấp, cải tạo đảo không giúp nó có lãnh hải. Dù Trung Quốc xây dựng hải đăng, các tòa nhà hay cao ốc trên đảo nhân tạo phi pháp thì cũng không có giá trị pháp lý.
Nhiều hải đăng phi pháp của Trung Quốc được xây dựng trên các thực thể bị ngập nước trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi Bắc Kinh tiến hành các hoạt động bồi lấp phi pháp. Vị trí hải đăng trên đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Học giả Đài Loan, Trung Quốc cũng cố ý hiểu nhầm khi sử dụng điều 47 để biện minh cho việc làm của Trung Quốc. Theo UNCLOS, việc ngọn hải đăng được xây dựng trên rạn san hô hoặc bãi đá ngầm chỉ có giá trị với đường cơ sở của một quốc đảo chẳng hạn như Indonesia và Philippines. Trung Quốc không nằm trong diện này.
Phục vụ tham vọng chủ quyền
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng hải đăng Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bẫy pháp lý mà Trung Quốc bày ra để đánh lừa cả thế giới. Theo ông Trục, Trung Quốc có những tính toán kỹ lưỡng khi xây dựng hải đăng trên các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Hồng Duy |
Ông Trục chỉ rõ hai điểm trong toan tính của Trung Quốc. Thứ nhất, Bắc Kinh muốn đánh lừa cả thế giới khi dùng các công trình dân sự để đăng ký với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm sự thừa nhận chủ quyền. Thứ hai, Bắc Kinh tăng cường việc tuyên truyền để thế giới nghĩ rằng Trung Quốc bồi lấp nhằm mục đích quân sự. Thực tế, Bắc Kinh đang triển khai nhiều cơ sở quân sự trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Trục cũng khẳng định sự phi pháp của các hải đăng Trung Quốc khi chúng được xây trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, việc Trung Quốc chiếm đóng, bồi lấp các đá và rạn san hô của Việt Nam cũng là sự vi phạm không thể chối cãi. Các hoạt động của Trung Quốc xâm hại nghiêm trọng tới chủ quyền của Việt Nam.
Bản đồ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: WSJ |
Bên cạnh đó, điều 4, điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nêu rõ các bên không làm thay đổi hiện trạng trên biển và “thực hiện việc kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”. Trung Quốc đã ký kết văn kiện này tháng 11/2002 nên có trách nhiệm phải tuân thủ nó, ông Trục nhấn mạnh.