Thủ tướng Nhật Bản Abe chủ trì hội nghị cấp cao G7 2016. Ảnh: BBC |
Theo Kyodo, 6 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có thể được Tokyo mời dự hội nghị G7 bao gồm Việt Nam, Lào, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka và Papua New Guinea. Chad, nước đang giữ chức chủ tịch Liên minh châu Phi, là quốc gia châu Phi duy nhất cũng được mời dự sự kiện này.
Hội nghị cấp cao G7 năm nay sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 27/5 tại Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết, nội dung nghị sự sẽ là thảo luận về tình hình kinh tế biến động và ảnh hưởng của giá dầu thô sụt giảm, tình hình Ukraine.
Những cuộc họp cấp cao của G7 trước đó đã từng có tiền lệ mời lãnh đạo một số nước ngoài nhóm này cùng tham dự hội nghị. Như nước Đức (chủ nhà của hội nghị G7 năm 2015) từng mời đại diện các nước như Nigeria, Tunisia, Iraq và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde dự cuộc họp, với chủ đề mối đe dọa toàn cầu của khủng bố.
Các lãnh đạo dự hội nghị G7 năm 2015. Ảnh: BBC |
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông như xây đường băng, hệ thống radar tiên tiến và triển khai tên lửa đất đối không.
Trong một cuộc họp song phương hồi cuối tháng 2, phía Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản không nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị G7 vì có thể “ảnh hưởng nỗ lực cải thiện quan hệ song phương”.
Trung Quốc còn ngang ngược cảnh báo rằng cách hành xử của Nhật tại Hội nghị G7 sẽ là "phép thử" quan hệ song phương Bắc Kinh - Tokyo.
Đáp lại, Nhật Bản kiên quyết từ chối yêu sách của Trung Quốc và nhận định cộng đồng quốc tế không chấp nhận việc Bắc Kinh ngang nhiên xây đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hoá Biển Đông.
Trong diễn biến liên quan, Kyodo cho biết ngoại trưởng các nước thành viên nhóm G7 dự kiến bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông trong hội nghị Ngoại trưởng G7, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 này.
Các ngoại trưởng G7 cũng sẽ tuyên bố mối quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Qua đó, các ngoại trưởng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, tái khẳng định cam kết về tự do hàng không trong bối cảnh Trung Quốc có thể lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy). Nhóm được thành lập vào năm 1976. G7 sẽ họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. G7 nhóm họp lần đầu vào ngày 11/4/2008 ở Washington, D.C. để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008.
Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Shima, do Thủ tướng Abe chủ trì.