Lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức năm 2015. Ảnh: Reuters |
Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 6/4 cho biết, trong một tuyên bố về an ninh hàng hải dự kiến được công bố sau hai ngày diễn ra hội nghị tại thành phố Shima, các bộ trưởng nhóm G7 sẽ phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua sử dụng những lời đe dọa hoặc vũ lực.
An ninh hàng hải là một trong những nội dung được thảo luận tại hội nghị ngoại trưởng của G7 ở thành phố Shima vào ngày 26 và 27/4. Các bộ trưởng dự kiến bày tỏ quan ngại trước loạt hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông.
Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: NASA |
Sau hội nghị cấp ngoại trưởng, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 5. Ông dự kiến sẽ khẳng định sự đoàn kết của nhóm trong việc giải quyết các vấn đề ở châu Á, Jiji Press cho hay.
Tokyo hy vọng tuyên bố chung hội nghị sẽ phản ánh quan ngại chung về tình trạng căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong tuyên bố chung, Nhật Bản cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm tự do lưu thông trên biển, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp cũng như cảnh báo những hành động phá hoại ổn định khu vực, trong đó có hoạt động bồi lấp phi pháp quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các hội nghị của G7 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông như xây đường băng, hệ thống radar tiên tiến và triển khai tên lửa đất đối không.
Trong một cuộc họp song phương hồi cuối tháng 2, phía Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản không nêu vấn đề Biển Đông tại G7 vì có thể “ảnh hưởng nỗ lực cải thiện quan hệ song phương”. Trung Quốc còn ngang ngược cảnh báo rằng cách hành xử của Nhật tại hội nghị G7 sẽ là "phép thử" quan hệ song phương Bắc Kinh - Tokyo.
Đáp lại, Nhật Bản kiên quyết từ chối yêu sách của Trung Quốc và nhận định cộng đồng quốc tế không chấp nhận việc Bắc Kinh ngang nhiên xây đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hoá Biển Đông.
G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy). Nhóm được thành lập vào năm 1976. G7 sẽ họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. G7 nhóm họp lần đầu vào ngày 11/4/2008 ở Washington D.C. (Mỹ) để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008.
Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Shima, do Thủ tướng Abe chủ trì.