Sáng 23/6, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác Tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự, chỉ đạo Hội nghị.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Chủ trì hội nghị còn có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Phùng Xuân Nhạ, Phan Xuân Thủy, Trần Thanh Lâm.
Về phía Tỉnh ủy Nghệ An có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy…
Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An có bước phát triển khá toàn diện. Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 6,2%; riêng 6 tháng đầu năm 2022, ước đạt 8,44%. Thu ngân sách năm 2021 đạt gần 19.500 tỷ đồng, vượt 38% dự toán đề ra, 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện gần 11.000 tỷ đồng, đạt trên 70% kế hoạch.
Văn hóa, xã hội có nhiều điểm sáng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 299 xã và 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. An sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm và ngày càng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm toàn diện trên các mặt.
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn Đảng bộ và Nhân dân, ngành Tuyên giáo và công tác Tuyên giáo của tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều đóng góp tích cực, nổi bật.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu chào mừng hội nghị. |
Theo đồng chí Thái Thanh Quý, nhìn lại thời khắc khốc liệt, nguy hiểm của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, chúng ta chứng kiến tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào của nhân dân đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Chính hoạt động tích cực của ngành Tuyên giáo trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng đúng, đủ, kịp thời, kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức, biện pháp hiệu quả là một trong những nhân tố hàng đầu khơi dậy cội nguồn sức mạnh đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh.
Hoạt động Tuyên giáo cũng đã góp phần làm cho ý Đảng và lòng dân cùng chung một nhịp. Nhiều quyết sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, tin tưởng, ủng hộ và phấn khởi thực hiện, đã và đang thôi thúc thêm khát vọng phát triển, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá vào năm 2025 khu vực phía Bắc, tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030.
Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Tuyên giáo, đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác Tuyên giáo, song với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp, sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của những người làm công tác Tuyên giáo, toàn Ngành đã chủ động, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra với nhiều điểm mới, nổi bật.
Trong đó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt toàn ngành Tuyên giáo đổi mới nội dung, phương thức công tác Tuyên giáo với tinh thần: quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, có trọng tâm, trọng điểm, đột phá; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, khẳng định vai trò, vị thế ngành Tuyên giáo.
Tập trung triển khai xây dựng 14 đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức 15 Đoàn công tác làm việc, kiểm tra, khảo sát tại các địa phương. Tuyên giáo nhiều địa phương cũng tổ chức đi làm việc, khảo sát tại cơ sở; qua đó, phát hiện những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ.
Ngành Tuyên giáo cũng tham mưu cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hóa - văn nghệ, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch xung quanh những vấn đề, sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần quan trọng vào giữ vững độc lập, chủ quyền; duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, ngành Tuyên giáo cũng tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn được dư luận ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm, ngành Tuyên giáo vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của Đảng ở các địa phương chưa đồng đều, một số nơi chất lượng chưa cao. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức tuy đã được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo song nội dung, quy trình, phương thức triển khai thực hiện chưa cụ thể, còn lúng túng nên hiệu quả chưa rõ nét. Việc triển khai, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị ở một số nơi hiệu quả chưa cao; việc tổ chức đối thoại với nhân dân ở một số địa phương, bộ, ngành còn chưa nghiêm; tính tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu có lúc, có nơi, trên một số lĩnh vực chưa rõ….
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2022, làm rõ những kết quả đạt được, nhất là những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo từ đầu năm đến nay. Đồng thời, một số ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề đặt ra, nguyên nhân của hạn chế; dự báo tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo 6 tháng cuối năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, những kết quả nổi bật mà ngành Tuyên giáo đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tuyên giáo 6 tháng cuối năm 2022, trong đó: tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ các đề án sơ kết, tổng kết trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; trước mắt là các nghị quyết, kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương 5 và Trung ương 6 sắp tới; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và trong xã hội về các đường lối, chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đại hội XIII.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị. |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu ngành Tuyên giáo tập trung tham mưu cho cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, trọng tâm là việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, dư luận xã hội, thông tin đối ngoại; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu trên lĩnh vực khoa giáo; tiếp tục tham mưu cho cấp ủy để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”...