Ngày 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khái quát nhiều kết quả quan trọng báo chí đạt được trong năm 2021, điển hình là việc tập trung tuyên truyền sâu, đậm, toàn diện về các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Báo chí cũng kịp thời thông tin về chính sách, định hướng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh; phổ biến cho người dân về biện pháp phòng, chống dịch…
Ưu tiên phát triển báo điện tử
Trong bài phát biểu của mình, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thẳng thắn nêu lên những hạn chế, thiếu sót trong công tác báo chí năm qua, nhất là khuynh hướng thông tin thiếu toàn diện, thiếu đầy đủ; nhiều trường hợp bỏ qua khâu kiểm tra, xác minh, dẫn đến thông tin không chuẩn xác; thiếu thận trọng trong xử lý và đưa tin về vấn đề phức tạp, nhạy cảm…
Cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, trong một số trường hợp còn thiếu nhạy bén, chưa phân tích và dự báo từ sớm, từ xa theo chiều hướng vận động của sự việc, vấn đề và chưa thực sự định hướng, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Quang Vinh. |
Cùng với các giải pháp khắc phục, ông Nghĩa nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là mỗi nhà báo, cơ quan báo chí và toàn bộ hệ thống báo chí phải thực sự có tinh thần tự phê bình và phê bình, đồng thời, phải có quyết tâm rất cao trong việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Nhấn mạnh nhiệm vụ thông tin của báo chí trong năm tới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tiếp tục chủ động, đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý Nhà nước; tăng nắm bắt tình hình hoạt động, nguyện vọng của các cơ quan báo chí.
Nhắc đến thực tế để giải quyết tốt các vụ việc nổi cộm, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ông Nghĩa khẳng định công tác thông tin, tuyên truyền phải chủ động, đi trước một bước.
Đại biểu dự Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: Quang Vinh. |
“Kịp thời, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí là giải pháp quan trọng để hạn chế thông tin thiếu chuẩn xác, tin đồn thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên Internet”, ông Nghĩa nói.
Để đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, ông Nghĩa lưu ý chú trọng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý vấn đề kinh tế báo chí, chuyển đổi số báo chí; củng cố phát triển hệ thống cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội, có chính sách hỗ trợ và nâng cao thứ hạng, uy tín của các tạp chí khoa học…
"Quy hoạch báo chí đã thống nhất, năm 2022, ngoài báo chí truyền thống cần quan tâm và ưu tiên phát triển báo điện tử vì đây là hoạt động nối dài, là mặt trận mới của báo chí", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đặt hàng báo chí không chỉ nhắm tới báo "lâu năm"
Chia sẻ về quy hoạch báo chí, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc sắp xếp quy hoạch báo chí hiện đã làm một bước, nhưng bước chuyển thực chất bên trong là cả quá trình không thể nóng vội.
“Mục đích quy hoạch là để báo chí phát triển, không chỉ tiếng nói của cơ quan chủ quản mà còn là tiếng nói của nhân dân”, ông nhấn mạnh.
Điều quan trọng, theo Phó thủ tướng, là triển khai chính sách quản lý để thực thi quy hoạch. “Đây là vấn đề trong năm 2022 cần nhìn thẳng vào sự thật, phải tổng kết đánh giá quy hoạch báo chí xem cái gì phù hợp, cái gì chưa để làm cho báo chí phát triển, tránh việc chạy theo thị trường quá mức làm lệch lạc, tránh lãng phí nguồn lực xã hội”, Phó thủ tướng lưu ý.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: Quang Vinh. |
Ông cho rằng muốn báo chí tự chủ thì phải tăng giao nhiệm vụ, đặt hàng chứ không thể yêu cầu rất cao nhưng không có cơ chế đảm bảo.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải là “đầu mối” thay mặt các cơ quan báo chí làm việc với bộ, ngành. “Bộ, ngành ra chủ trương chính sách thì cần tuyên truyền trước, trong và sau khi ban hành để theo dõi. Muốn vậy phải truyền thông, giao nhiệm vụ, đặt hàng báo chí”, Phó thủ tướng nhìn nhận đây là vấn đề vẫn còn rất vướng mắc.
Ông lưu ý trong đặt hàng không nên chỉ tập trung vào báo lớn, báo có uy tín, truyền thống lâu năm, mà nên xét ở khía cạnh những báo có khu vực độc giả riêng và chính sách có tác động lớn đến những khu vực ấy, để thông tin cần thiết có thể lan truyền đến nhiều người nhất.
Trước sự cạnh tranh của mạng xã hội, thông tin nhanh nhạy tính từng giây, Phó thủ tướng cho rằng sẽ luôn nảy sinh nhiều vấn đề nên thông tin cần minh bạch và nhanh nhất có thể. Vì thế, các cơ quan phải chủ động cung cấp thông tin hơn cho báo chí.
Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cũng cần tăng cường tính chủ động, không chỉ khuyến nghị mà yêu cầu bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách chính xác.
Nhắc tới vấn đề chuyển đổi số, Phó thủ tướng cho rằng dữ liệu là vấn đề sống còn nên ngoài việc hình thành cơ sở dữ liệu, mỗi cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần có năng lực xử lý dữ liệu để làm sâu sắc hơn vấn đề.