Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại hội nghị, những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 tới hoạt động báo chí được Phó ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề cập trong báo cáo về công tác năm 2021 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.
Trong một năm có nhiều biến động, lĩnh vực báo chí được đánh giá có nhiều chuyển biến quan trọng. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường.
Phó ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm. Ảnh: TTXVN. |
Các cơ quan báo chí đã chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; truyền thông công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Tuy nhiên, trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.
Số lượng phát hành và quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí giảm, nhiều cơ quan báo chí phải giảm trang, giảm kỳ xuất bản, một số cơ quan báo chí phải tạm ngừng xuất bản bản in trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách tăng cường tại TP.HCM, nhiều cơ quan báo chí in không phát hành được đến tay người dân và cơ quan quản lý Nhà nước đã phải huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các cơ quan báo chí.
Doanh thu của nhiều đài giảm mạnh, có đài sụt giảm đến 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.
Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), báo cáo nêu rõ tổng doanh thu những năm qua giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng. Tổng doanh thu khối tạp chí cũng giảm dần từng năm với 307 tỷ đồng trong năm 2019, 259 tỷ trong năm 2020 và năm 2021 giảm còn 170 tỷ.
Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, diễn ra sáng 24/12 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Về hoạt động, với xu thế tất yếu là chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, vào doanh thu quảng cáo.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân.
Tuy nhiên, một số hạn chế cũng được chỉ ra như thông tin trên báo chí chưa toàn diện, một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm...
Về triển khai Quy hoạch báo chí, năm 2021, công tác này “cơ bản hoàn thành” giai đoạn 1 với việc giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương (tỷ lệ giảm là 36%), không còn cơ quan báo thuộc tổ chức Hội.
Giảm gần 4.000 người được cấp thẻ nhà báo
Tính đến 30/11, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 2 đài quốc gia, 1 Đài truyền hình KTS VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
So với năm 2020, số lượng cơ quan báo giữ nguyên; tăng 37 cơ quan tạp chí.
Thống kê về nguồn nhân lực cho thấy nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 40.000 người, trong đó cả nước hiện có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 (giảm 3.971 thẻ nhà báo so với kỳ hạn 2015-2020).