Lớp tập huấn do Hội xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM, Trung tâm Phát triển văn hoá đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt phối hợp cùng Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.
Gần 300 cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS, THPT trên địa bàn được tập huấn nhằm có nhận thức đầy đủ các khái niệm về văn hoá đọc, tầm quan trọng của việc đọc sách, việc hình thành thói quen đọc sách, giúp các em nâng cao kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập và phát triển bản thân.
Gần 300 giáo viên, cán bộ quản lý các trường THCS, THPT ở Bà Rịa - Vũng Tàu dự lớp tập huấn "Tổ chức hoạt động tiết đọc sách nhằm phát triển văn hóa đọc cho học sinh". Ảnh: BTC. |
Ngoài ra, các thầy cô giáo còn được trang bị các nội dung về ý tưởng cơ bản, biểu hiện đặc trưng, lợi ích, điều kiện cơ bản, động lực cho học sinh... và hệ thống các biện pháp, kỹ năng cụ thể để tổ chức hoạt động cho tiết đọc sách, từng bước giúp gia tăng hứng thú đọc, thói quen đọc sách cho các em.
Tại lớp học, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam, đề cập Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ông nhắc đến mục tiêu chung "xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên... góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xã hội học tập".
Trong đó, mục tiêu cụ thể là phấn đấu 85% người (đối với học sinh, sinh viên là 90%) sử dụng thư viện.
Ông cũng nói về thông tư của Bộ GD&ĐT về ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cho học sinh.
Thời gian qua, ngành xuất bản Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, đặc biệt sách phục vụ cho người đọc học sinh.
Sách này xoay quanh qua 5 trụ cột nội dung đề tài góp phần phát triển tri thức và hoàn thiện nhân cách, gồm 5 nguồn sách phát triển trí tuệ, hình thành những tình cảm, ý chí tích cực, góp phần xây dựng đức tốt, hình thành những giá trị sống cao đẹp và những thói quen tinh thần tốt.
"Người làm xuất bản rất tự tin là người đồng hành đáng tin cậy, góp phần hữu hiệu cùng ngành giáo dục thực hiện mục tiêu phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng và chương trình giáo dục phổ thông mới", ông Lê Hoàng khẳng định.
Ông cũng tin tưởng vào sự thành công của lớp tập huấn, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình thành nền văn hoá đọc mạnh mẽ trong cộng đồng.
Sau cuộc tập huấn, ông Lê Hoàng rất mong tiếp tục được kết nối cùng ngành giáo dục, các trường, phối hợp tổ hoạt động về đọc sách, phát triển văn hoá đọc cho học sinh ngay tại các trường.