Chủ tịch Tập Cận Bình chơi bóng trên sân cỏ khi ông tới thăm trụ sở của Gaelic Athletic Association tại Ireland vào tháng 2/2012. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần chia sẻ niềm đam mê của ông đối với bóng đá. Theo Tân Hoa Xã, bộ sưu tập áo cầu thủ của ông khiến mọi người hâm mộ môn thể thao vua phải ghen tị.
Sắp gặp Beckham?
Hồi tháng 3, trong cuộc viếng thăm của hoàng tử William, chủ tịch Trung Quốc và hoàng tử nước Anh đã trò chuyện vui vẻ về niềm đam mê chung đối với bóng đá.
Ông Tập bày tỏ mong muốn Trung Quốc có thể học hỏi kinh nghiệm từ các cường quốc bóng đá hàng đầu thế giới, trong đó có Anh. Hoàng tử William hy vọng, các cầu thủ Trung Quốc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại giải Ngoại hạng Anh.
Theo lời mời của nữ hoàng Elizabeth, Chủ tịch Tập sẽ viếng thăm nước Anh trong 5 ngày, từ ngày 19 đến ngày 23/10. Giới chức Trung Quốc chưa công bố lịch trình chính thức. Tuy nhiên, hoàng tử William sẽ không phải là người tâm giao duy nhất về bóng đá của ông. Nhiều người phán đoán, ông Tập sẽ gặp David Beckam.
Cuộc gặp đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc và Beckham diễn ra vào tháng 2/2012. Khi đó, ông Tập tới xem một trận đấu bóng rổ giữa hai đội Los Angeles Lakers và Phoenix Suns với tư cách là phó chủ tịch Trung Quốc. Beckham đã tặng ông một chiếc áo có chữ ký.
Đó là một trong những món đầu tiên trong bộ sưu tập kỷ vật bóng đá của ông. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 12/2013, Thủ tướng Anh David Cameron tặng ông chiếc áo của đội tuyển quốc gia Anh có chữ ký của tất cả các cầu Thủ.
Hồi tháng 7/2014, ông Tập nhận một chiếc áo mang số 10 của đội tuyển quốc gia Argentina với tên của ông in trên áo, thay thế cho tên của Lionel Messi. Trước đó, năm 2009, trong chuyến thăm Đức, ông cũng nhận một món quà là một chiếc áo mang số 10 của đội bóng Bayer Leverkusen in tên của ông.
Có kỹ năng bóng đá
Ông Tập cũng từng trò chuyện về bóng đá với Pavel Nedved và Edwin Van der Sar.
Trong chuyến thăm Ireland vào năm 2012, các phóng viên ảnh đã chụp lại khoảnh khắc ông Tập chơi bóng trên sân.
"Ông Tập đã cho chúng tôi thấy một số kỹ năng của ông trong lần ông tới thăm chúng tôi", Alan Milton, phát ngôn viên của Gaelic Athletic Association, nói sau chuyến thăm của ông Tập.
Ba nguyện vọng với bóng đá nước nhà
Tuy nhiên, bóng đá Trung Quốc vẫn là điều mà Chủ tịch Tập quan tâm nhất. Ông từng bày tỏ 3 nguyện vọng đối với nền bóng đá nước nhà khi nói chuyện với Sohn Hak Kyu, cựu chủ tịch đảng Dân chủ Thống nhất Hàn Quốc.
“Đủ tiêu chuẩn đăng cai World Cup, tổ chức World Cup và giành chức vô địch World Cup”, ông nói.
Trong một chuyến thăm Đức vào năm ngoái, Chủ tịch Tập ghé thăm một cơ sở đào tạo tuyển trẻ của Trung Quốc tại thành phố Berlin. Trả lời một cầu thủ, ông nói: "Tôi tin thế hệ của các bạn sẽ gặt hái thành công".
Thứ hạng trong làng bóng đá của Trung Quốc tương đối thấp nhưng lượng người hâm mộ rất lớn. Sau khi giành nhiều huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc xác định đầu tư cải thiện vị trí cho nền bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, việc này phải mất nhiều thời gian
Hồi đầu năm, nhóm lãnh đạo cải cách tổng thể của Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, thông qua kế hoạch cải cách nhằm thúc đẩy thứ hạng của môn thể thao vua, từ bóng đá trong nhà đến ngoài sân vận động.
Với tiêu đề “Kế hoạch tổng thể về cải cách bóng đá Trung Quốc”, dự án kêu gọi cộng đồng tham gia tích cực và đa dạng hoá các loại hình đào tạo, từ khuôn viên trường học tới các câu lạc bộ chuyên nghiệp, phát triển các cầu thủ trẻ và trau dồi kỹ năm của họ.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài nổi tiếng tới Trung Quốc. Những trận cầu của các câu lạc bộ trong nước ngày càng được chú ý nhiều hơn.
“Trong thời bình, thể thao là biểu tượng của những người theo đuổi sự tiến bộ. Vì vậy, việc Trung Quốc đầu tư cho bóng đá là cần thiết”, Ruan Zong Ze, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã.
Ông cho hay, thể thao có thể tác động đến chính trị. "Một trong những trường hợp tiêu biểu là 'ngoại giao bóng bàn', thứ giúp Trung Quốc và Mỹ cải thiện mối quan hệ trong những năm 1970. Trong kỷ nguyên mới của ngoại giao, bóng đá sẽ giúp thắt chặt tình thân thiết giữa các quốc gia", Ruan nói.