Trong cuộc trao đổi ngày 31/3 với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân ở Washington, Mỹ, ông Tập cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi nào núp dưới danh nghĩa tự do hàng hải để "xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc". Đây được coi là cách nói khác của ông Tập khi đề cập tới sự can thiệp của Mỹ với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới, Tân Hoa Xã đưa tin.
Chủ tịch Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp trên Biển Đông.
Tập Cận Bình cũng ngang nhiên tuyên bố kiên quyết bảo vệ cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông, tranh chấp trên Biển Đông chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân đang diễn ra tại Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ngoài vấn đề Biển Đông, người đứng đầu Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và Washington cần tăng cường phối hợp trong việc kết hợp chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Ông Tập cũng kêu gọi Tổng thống Obama tiếp tục có những động thái nhằm duy trì sự phát triển hòa bình của mối quan hệ Trung Quốc và đảo Đài Loan. Ngoài ra, chủ tịch Trung Quốc cam kết tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nội dung trong nghị quyết trừng phạt mà Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này.
Ngay trước khi ông Tập tới Mỹ để dự Hội nghị thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work một lần nữa bác bỏ cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tái khẳng định: "Chúng tôi tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép".
Bên cạnh đó, ông Work lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh bằng cách thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giống cách họ đã thực hiện trên biển Hoa Đông trong tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Washington nhiều lần thể hiện quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực thông qua việc điều tàu chiến và oanh tạc cơ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Bắc Kinh bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Việc làm này là hành động thực tế cho thấy Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: NASA |
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh vẽ ra cái gọi là đường 9 đoạn hay đường lưỡi bò cùng sự nhập nhèm của nó nhằm từng bước hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên tuyến hàng hải huyết mạch, với 40% lượng hàng hóa toàn cầu lưu thông. Bắc Kinh cũng nhiều lần từ chối giải thích rõ về "đường lưỡi bò".
Nhiều nhà phân tích cho rằng, những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông không phản ánh đúng vai trò của một nước lớn, có trách nhiệm với hòa bình và ổn định của thế giới. Ngược lại, nó biến Bắc Kinh trở thành kẻ bắt nạt và đang dần bị cô lập trên trường quốc tế.
Malaysia triệu đại sứ Trung Quốc vì tàu cá xâm phạm chủ quyền
Malaysia hôm 31/3 cho biết đã triệu đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích việc 100 tàu cá bị phát hiện xâm nhập vào vùng biển Malaysia.
Kuala Lumpur tin Bắc Kinh có chung quan điểm rằng mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc được xây dựng dựa trên sự tôn trọng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không gây hấn lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình".
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Malaysia, bằng hình thức liên lạc lần này, Kuala Lumpur tin rằng Malaysia và Trung Quốc sẽ tìm ra một biện pháp hòa giải mọi vấn đề giữa hai nước.