Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Công Khanh |
Trả lời báo chí về vị trí của giàn khoan Hải Dương 943 tại Biển Đông, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Theo thông báo của Trung Quốc, khu vực giàn khoan Hải Dương 943 hoạt động ở ngoài cửa Vịnh Bắc bộ. Đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để phân định".
Vì vậy, theo bà Hằng các bên liên quan cần tránh hành động đơn phương, tránh làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán để phân định.
"Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các công ước liên quan", bà Hằng nói thêm.
Một giàn khoan của Trung Quốc. Ảnh: Sina |
Cục Hải sự Trung Quốc hôm 28/3 thông báo đặt giàn khoan Hải Dương 943 tại vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, từ ngày 25/3 đến 31/7. Cục này cảnh báo tàu thuyền không đi lại trong phạm vi bán kính 1 hải lý (1,85 km).
Hải Dương Thạch Dầu 943 là giàn khoan tự nâng, có thể làm việc ở độ sâu 122 m và khoan sâu đến 10.000 m, do tập đoàn đóng tàu công nghiệp nặng Đại Liên đóng và vừa được bàn giao từ tháng 1 năm nay.
Trả lời Zing.vn, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nhận định các cơ quan chức năng của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 943 để có phản ứng thích hợp và kịp thời.
Ông Trần Công Trục cho rằng nếu vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 943 nằm trong vùng chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ thì đó là hành vi vi phạm Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) cũng như vi phạm thỏa thuận giữa hai nước.
Năm 2014, Trung Quốc từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Sau 75 ngày hoạt động trái phép, ngày 16/7/2014 Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.