Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp âm có thể đánh lừa lực lượng tìm MH370

Theo các chuyên gia, độ sâu của vùng biển Ấn Độ Dương thực sự là một thử thách rất lớn đối với việc tìm kiếm MH370 do nhiều âm thanh tại đây sẽ gây nhiễu tiếng "ping" từ hộp đen.

Paul - Henry Nargeolet, một cựu sĩ quan hải quân Pháp và từng tham gia cuộc tìm kiếm các mảnh vỡ của chuyến bay 447 thuộc Hãng hàng không Air France dưới đáy Đại Tây Dương, nói: “Tôi không tin lắm về mức độ xác thực của những âm thanh dưới nước”.

Quá trình trục vớt MH 370 có thể còn khó khăn hơn vụ Air France 447. Ảnh: AFP.
Quá trình trục vớt MH370 có thể còn khó khăn hơn vụ Air France 447.  Ảnh: AFP.                                                

Ông Nargeolet từng tham gia hoạt động khám phá con tàu nổi tiếng Titanic bằng cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ để trục vớt các cổ vật. Sau khi đặt các cổ vật vào lưới, Nargeolet và các cộng sự gắn thiết bị phát hiện tàu ngầm vào đó để quá trình tìm kiếm sau này diễn ra dễ dàng hơn.

Với các tín hiệu "ping" phát ra trên Ấn Độ Dương, ông Nargeolet lập luận: “Chúng ta không bao giờ nghe thấy những âm thanh đó”. Do vậy, ông chỉ tin rằng đội tìm kiếm đã định vị MH370 khi ai đó trông thấy mảnh vỡ của máy bay bằng mắt thường. 

Âm thanh dưới nước hoàn toàn khác

Theo các nhà nghiên cứu về âm ở Cục Khí tượng và Hải dương Mỹ (NOAA), tai người chỉ có thể nghe âm thanh trong không khí. Nếu không khí xung quanh biến mất, chúng ta không nghe thấy gì. Khi nước tràn vào tai, màng nhĩ sẽ không thể hoạt động đúng cách. Tuy nhiên, chúng ta không hoàn toàn điếc trong nước vì con người còn có thể nghe qua xương, chủ yếu là xương sọ. Mặc dù vậy, hiệu quả của quá trình truyền dẫn âm thanh qua xương giảm hơn 40% so với qua không khí.

Các nhà khoa học cho biết âm tốc độ truyền dẫn âm thanh dưới nước (1.500 m/giây) cao hơn hẳn 4 lần so với trong không khí (hơn 335 m/giây). Một số nhà khoa học cũng tin rằng cá voi có thể giao tiếp với nhau bằng âm thanh từ khoảng cách hàng nghìn km dưới nước.

Âm thanh dưới đại dương làm nhiễu tiếng "ping"

Giới chức Australia đã cảnh báo rằng, dư luận không nên quá phấn khích về những tiếng “ping” mà đội tìm kiếm đã phát hiện. Âm thanh dưới nước thường không truyền theo đường thẳng. Sóng âm có thể lan tỏa xuyên đại dương, nhưng lại không thể lên tới gần mặt biển để đội tìm kiếm có thể phát hiện.

“Âm thanh truyền dưới nước chịu tác động mạnh bởi nhiệt độ, áp lực nước và nồng độ muối. Điều đó ảnh hưởng tới cường độ và hướng truyền của sóng âm, đôi khi thay đổi tới 90 độ”, Peter Leavy, người chỉ huy lực lượng Mỹ tham gia cuộc tìm kiếm, giải thích.

Giữa đại dương bao la, nhiều âm thanh khác có thể làm nhiễu tiếng “ping” từ hộp đen. Các nhà khoa học nghiên cứu cá voi cho biết, việc lắng nghe âm thanh từ cá voi ngày càng trở nên khó khăn vì đại dương hiện giờ quá ồn ào. 

“Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương ngày càng tăng do âm thanh phát ra từ các tàu vận tải, các hoạt động khoan thăm dò dầu khí, khí đốt và các hoạt động giao thông, giải trí trên biển. Sau mỗi thập kỷ, tiếng ồn ở đại dương lại tăng gấp đôi", các nhà nghiên cứu ở Đại học Cornell, Mỹ, nói.

Từ các tín hiệu đáng nghi trong những ngày gần đây, đội tìm kiếm đa quốc gia đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm tại một khu vực có diện tích 58.000 km2 ở phía nam Ấn Độ Dương. Australia đã giảm số lượng tàu trong khu vực tìm kiếm để các thiết bị có thể phát hiện những tiếng “ping” quan trọng một cách dễ dàng hơn.

7 câu hỏi lớn xung quanh sự biến mất bí ẩn của MH370

Vụ mất tích của chiếc Boeing 777-200 chưa từng xảy ra trong lịch sử hàng không thế giới và có quá nhiều chi tiết bí ẩn cần được giải đáp.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm