Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạo ‘màu cờ sắc áo’ cho thiết kế Việt từ tranh Hàng Trống

Bóc tách những giá trị đặc trưng của tranh Hàng Trống, nhóm nhà thiết kế trẻ ra cuốn sách dùng vốn nghệ thuật của cha ông ứng dụng vào những sản phẩm mới.

Từ khi bước chân vào ngành thiết kế đồ họa vào năm 2002, các thành viên nhóm S River luôn trăn trở với câu hỏi: Đâu mới là phong cách thiết kế của Việt Nam, đậm chất Việt Nam, khiến hai chữ “Việt Nam” không bị nhầm lẫn trong ngành thiết kế toàn cầu?

Từ những trăn trở đó, họ ra đời dự án “Họa sắc Việt” nhằm cung cấp những phân tích sâu và phương pháp cụ thể sử dụng màu sắc, họa tiết dòng tranh dân gian Hàng Trống.  

Cuốn sách Họa sắc Việt của họ đang được gây quỹ xuất bản. Trịnh Vân - đại diện nhóm S River - có cuộc trò chuyện với Zing.vn để trao đổi về dự án ý nghĩa và đầy tính ứng dụng của họ.

Tranh Hang Trong,  Thiet ke anh 1
Cá chép vượt vũ môn - một trong những tác phẩm điển hình của phong cách tranh Hàng Trống.

Tìm ‘nguyên liệu’ cho thiết kế hiện đại từ mỹ thuật dân gian

- Điều gì khiến nhóm quan tâm tới họa tiết tranh Hàng Trống?

- Mỹ thuật dân gian là một trong những giá trị thẩm mỹ quan trọng của Việt Nam, tạo nên những nguồn nguyên liệu truyền thống quan trọng cần được khai thác. Trong đó, tranh Hàng Trống là một kho tàng đồ sộ nhưng hiện tại đang có nguy cơ mai một và thất truyền khi chỉ còn duy nhất 1 nghệ nhân cao tuổi còn làm nghề, cùng đó là nhà nghiên cứu hàng đầu về tranh Hàng Trống nay cũng đã hơn 80 tuổi.

Trong khi hiện tại, ngành thiết kế, mỹ thuật của nước ta đang rất thiếu những nguyên liệu truyền thống mang bản sắc Việt. Điều đó dẫn đến sự yếu thế của nền thiết kế của Việt Nam.

Từ góc nhìn của người thiết kế, chúng tôi nhìn ra tiềm năng ứng dụng rất lớn của tranh Hàng Trống nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung qua việc sưu tầm, phân tích, hệ thống thành một nguồn họa tiết và màu sắc phong phú dành cho giới thiết kế và mỹ thuật. Các sản phẩm thiết kế sẽ mang nghệ thuật truyền thống đến với mọi người ở mọi lứa tuổi và ngành nghề.

- Cuốn sách “Họa sắc Việt” gồm những nội dung gì? Cách thức thể hiện ra sao?

 - Cuốn sách sẽ gồm sáu phần chính, bóc tách các vấn đề như giới thiệu chug về dòng tranh này, các vấn đề chuyên môn như màu sắc, họa tiết và ứng dụng trong thiết kế đương đại.

Nhóm tổng hợp từ những tác phẩm tranh Hàng Trống đã sưu tầm, các tài liệu chuyên ngành để đưa ra những phân tích về họa tiết và màu sắc của dòng tranh, và khái quát hóa thành phương pháp số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.

Tranh Hang Trong,  Thiet ke anh 2
Sách đưa ra phân tích về hoa văn, màu sắc trong tranh Hàng Trống. 

- Để có được những phân tích, và đưa ra được phương pháp sử dụng màu sắc, họa tiết của tranh Hàng Trống, nhóm đã có quá trình làm việc như thế nào? Phân công công việc ra sao?

- Quá trình làm việc của nhóm được bắt đầu từ việc sưu tập tư liệu tranh Hàng Trống từ 2013 đến 2017. Từ năm 2016, khung của cuốn sách được xây dựng. Năm 2017, nhóm hình thành và bắt đầu triển khai công việc số hoá.

Nhóm dự án được chia thành các nhóm công việc khác nhau: Thiết kế, biên tập, biên dịch (sách sẽ xuất ảnh ngôn ngữ Việt và tiếng  Anh), gây quỹ và truyền thông.

Tác giả là người đưa ra những phân tích và đưa ra được những phương pháp sử dụng màu sắc, hoạ tiết của tranh Hàng Trống. Đội thiết kế 5 người triển khai ý tưởng và người quản lý là chị Trang Trịnh. Ngoài ra, còn có sự đóng góp về nội dung của đội ngũ biên tập và dịch giả.

Để mang được cuốn sách đến với mọi người, dự án cần có sự hỗ trợ và đóng góp của đội ngũ phụ trách truyền thông và gây quỹ.

- Mục đích của nhóm là gì khi xuất bản cuốn sách này?

- Về ý tưởng hình thành và phát triển dự án, bắt nguồn từ việc chúng tôi muốn lưu giữ lại những nét đẹp về hoạ tiết và hoa văn truyền thống (cụ thể là từ tranh Hàng Trống), sau đó phát triển thành một cuốn sách với mục đích là một kho nguyên liệu cung cấp mẫu hoạ tiết ứng dụng cho mỹ thuật và thiết kế hiện đại, mang mục tiêu truyền cảm hứng ứng dụng đương đại từ văn hóa dân gian đến các bạn trẻ và người đọc.

- Ngoài việc xuất bản sách giấy, các dữ liệu của dự án được số hóa thành bảng mã màu, file vector đồ họa… sẽ được phát hành ra sao?

- Các dữ liệu số hoá sẽ được nhóm phát hành qua sách, các hoạ tiết cổ sẽ được nhóm mình tổng hợp và phân loại, đưa vào trong cuốn sách. Còn các sản phẩm thiết kế của nhóm lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống sẽ được nhóm đăng ký bản quyền riêng.

Tranh Hang Trong,  Thiet ke anh 3
Một phần nhóm tác giả S River.

Sản phẩm thiết kế sẽ mang nghệ thuật truyền thống vào đời sống đương đại

- Quá trình làm việc tạo nên bản thảo cuốn “Họa sắc Việt” có khó khăn, thuận lợi gì?

- Khó khăn đầu tiên là việc tìm nguồn tư liệu và sưu tầm nguyên liệu về tranh Hàng Trống cũng như những tài liệu đã được nghiên cứu và xuất bản từ trước đến nay (rất hiếm và ít người quan tâm).

Tiếp đến, dự án gặp khó trong việc tìm được nguồn nhân sự phù hợp, những người có cùng chí hướng để cùng làm, hỗ trợ và phát triển dự án.

Việc tìm nguồn kinh phí cho dự án cũng là vấn đề lớn vì chi phí in ấn xuất bản cho một cuốn sách mỹ thuật có chất lượng là rất lớn.

Khi dự án tạo ra một sản phẩm có khả năng đến được tay của rất nhiều đối tượng đọc, thì vừa phải cân bằng nội dung sách để hướng đến các bạn làm trong nghề là nhà thiết kế và giới mỹ thuật, lại vừa nêu được tính ứng dụng cao để thể hiện được giá trị lan toả, nuôi dưỡng sức sống cho những dự án tiếp theo.

Bên cạnh đó, nhóm S River cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là sự ủng hộ và giúp đỡ từ các chuyên gia cố vấn cho dự án, vì họ đều là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình và hiểu rõ về mục đích dự án của nhóm. Đó là nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê. Cả hai bác đều muốn giới trẻ Việt Nam hướng đến việc duy trì và phát triển nét đặc trưng của văn hoá và nghệ thuật Việt Nam.

Sự đồng lòng và chung sức của các thành viên trong nhóm S River, từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến lúc triển khai công việc và thay đổi tiến độ, mỗi thành viên luôn ủng hộ dự án và giúp đỡ nhau trong công việc chung và cuộc sống.

Sự quan tâm của giới truyền thông và các tổ chức, giúp cho nhóm quảng bá được hình ảnh và dự án đến với công chúng và những người làm trong ngành thiết kế; cũng như hỗ trợ dự án bằng những hình thức khác như địa điểm và dịch vụ in ấn.

Tranh Hang Trong,  Thiet ke anh 4
Một thiết kế túi (giả lập) sử dụng họa tiết tranh Hàng Trống.

- Tại sao nhóm lại đặt tên sách là “Họa sắc Việt”, trong khi nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói riêng và nghệ thuật Việt nói chung còn rất nhiều dòng tranh khác như tranh Đông Hồ, Kim Hoàng…?

- Đó là cái duyên giữa các tác giả và dòng tranh Hàng Trống. Nhóm S River được hình thành và các thành viên cùng đi theo nguồn cảm hứng và bắt đầu tìm hiểu về dòng tranh dân gian này.

Chúng tôi chọn cái tên Họa sắc Việt với một hy vọng sẽ tạo nên một bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các hoạ tiết và màu sắc của văn hoá dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại. Tranh Hàng Trống là đối tượng đầu tiên nhóm lựa chọn để nghiên cứu.

Khi làm dự án, chúng tôi rất hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để các bạn có thể bắt đầu dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Việt Nam vì chúng tôi quan niệm rằng văn hóa như một dòng chảy và mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy, mang đậm bản sắc Việt.

Khi đặt tên sách, chúng tôi mong muốn truyền tải được “màu cờ sắc áo” của dân tộc hay nói cách khác là màu sắc và họa tiết đậm chất Việt và lan tỏa cảm hứng để cộng đồng cùng “họa” nên sắc màu Việt Nam.

Tranh Hang Trong,  Thiet ke anh 5
Một thiết kế gối với họa tiết màu sắc của tranh Hàng Trống. 

- Nhóm đánh giá như thế nào về khả năng ứng dụng của họa tiết, màu sắc của tranh dân gian Hàng Trống trong các thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất?

- Từ góc nhìn của người thiết kế có thể thấy tiềm năng ứng dụng rất lớn của tranh Hàng Trống nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung qua việc sưu tầm, phân tích, hệ thống thành một nguồn họa tiết và màu sắc phong phú dành cho giới thiết kế và mỹ thuật. Các sản phẩm thiết kế sẽ mang nghệ thuật truyền thống đến với mọi người ở mọi lứa tuổi và ngành nghề.

Sau quá trình nghiên cứu và phát triển của dự án, nhóm đã có những sản phẩm ứng dụng mock-up đầu tiên, và mang lại hiệu quả tốt. Bạn có thể tham khảo qua trang fan page ‘Hoạ Sắc Việt’ để cập nhật về những sản phẩm mock-up.

Nhóm S River hiện có 11 người (bao gồm cộng tác viên) và gần nửa số đó đang làm công việc thiết kế. Trong đó, Trịnh Thu Trang là người sáng lập nhóm, và là tác giả chính của cuốn sách. Một số nhân sự chủ chốt khác của nhóm như: Trịnh Hồng Vân (phụ trách truyền thông và gây quỹ cho dự án), Trịnh Thu Hằng (điều phối và trợ lý dự án)…

'Lĩnh Nam chích quái' - huyền thoại, huyền sử kể bằng tranh

Với mong muốn thể hiện lịch sử theo một cách khác, Tạ Huy Long tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới mẻ cho tác phẩm "Lĩnh Nam chích quái".

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm