Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch bộ sử 294 cuốn - thêm một cuộc rong chơi

Thực hiện bộ sử “Tư trị thông giám” đồ sộ, nhưng nhóm chuyển ngữ coi việc làm ý nghĩa của họ như một cuộc rong chơi của những người yêu thích cổ sử.

Mùa hè năm 2016, bộ sử Tam Quốc Chí (Trần Thọ) lần đầu được giới thiệu đầy đủ, hệ thống tại Việt Nam. Điều gây ngỡ ngàng ở chỗ bộ sách đồ sộ này được ra đời từ những người bạn quen nhau qua mạng, gắn kết bởi có chung sự quan tâm tới cổ sử, quyết tâm làm bộ sách vì tình yêu với lịch sử.

Cuối tháng 11 này, nhóm dịch tiếp tục mang tới bất ngờ mới: họ chuyển ngữ và cho ra mắt tập một bộ Tư trị thông giám (Tư Mã Quang chủ biên). Đây là bộ sử đồ sộ, trong nguyên tác có tới 294 cuốn và ba triệu chữ Hán cổ. Ba nhân vật chủ chốt của nhóm thực hiện sách gồm dịch giả Bùi Thông, Phạm Thành Long và nhà báo Võ Hoàng Giang trò chuyện với Zing.vn về công việc thực hiện bộ sách.

Sach Lich su,  Dich sach anh 1
Bộ sử Tư trị thông giám lần đầu tiên được ra mắt bản tiếng Việt.

Núi dẫu cao, bước kiên trì vẫn lên tới đỉnh

- Điều gì khiến nhóm quyết định dịch bộ “Tư trị thông giám” sang tiếng Việt?

- Bùi Thông: Tôi còn nhớ năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn, bạn từng hỏi: “Nhóm dịch có dự định làm cuốn sách nào khác sau Tam Quốc chí?” (cười). Thực ra lúc đó nhóm chưa có ý định dịch cuốn sách nào cả. Nhưng, như một guồng máy đang chạy, chững lại một thời gian bỗng thấy hụt hẫng. Lại cũng vì ham thích nghiên cứu cổ sử, nhóm muốn dịch một bộ sách nữa, liên quan ít nhiều với sử Việt, để gọi là có ích với cộng đồng.

Tư trị thông giám được chọn sau một thời gian bàn bạc và cân nhắc. Đây là bộ sử bao hàm những giá trị rộng lớn, cho ta hiểu thêm về tư duy và phương cách trị quốc truyền thống của giới lãnh đạo Trung Quốc, đáng để người Việt xem, ngẫm, ghi nhớ. Song, cũng phải nói đây là một sự liều lĩnh, bởi lẽ đây là một bộ sử đồ sộ bậc nhất của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi vẫn tâm niệm rằng núi dẫu cao, bước kiên trì vẫn có thể lên tới đỉnh.

Phạm Thành Long: Như anh Thông đã nói, sau khi bộ Tam Quốc Chí ra mắt và được đông đảo độc giả đón nhận, nhóm đã trải qua một thời kỳ khá “trống vắng”, khi những liên hệ xung quanh việc dịch vốn đã gắn kết những cá nhân xa lạ trở thành bạn bè thân thiết cả chục năm bỗng trở nên thưa thớt. Và bởi vậy, cần phải có một mục tiêu mới.

Đầu tiên, vẫn như trước, việc dịch là để học hỏi thêm, để tìm thấy niềm vui ngoài công việc thường nhật. Cũng có một vài bộ sử khác được tính đến, nhưng cuối cùng, nhóm chọn Tư trị thông giám.

Thứ nhất là bởi văn phong của bộ sử này rất thuần phác, chiếm được cảm tình của cả nhóm. Thứ hai, khác với Tam Quốc chí soạn theo lối kỷ - truyện, các nhân vật và sự kiện có phần chồng chéo, Tư trị thông giám soạn theo lối biên niên thông sử, sự kiện và nhân vật kết thành một hệ thống làm nền tảng cho nhau. Đấy là thuận lợi để nhóm dịch, dù đã phân công công việc, dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau.

- Nhân nói đến chuyện này, vậy thì trong tập một của cuốn sách, các anh phân công công việc (dịch, tìm tư liệu, hiệu đính, biên tập…) như thế nào?

- Bùi Thông: Vì bộ sách dài, gồm 16 kỷ cho 16 triều đại, nhóm phân chia mỗi người dịch một số kỷ nhất định. Một số người phụ trách sưu tầm sử liệu, nguồn dịch, các tài liệu đối chứng rải rác trong “Nhị thập tứ sử” so sánh với tư liệu gốc, tránh sai sót.

Sau khi dịch xong vài cuốn nhỏ, sẽ chuyển sang cho một người hiệu đính, loại bỏ câu tối nghĩa, hoặc dịch chưa tròn ý, bổ sung chú thích cần thiết còn thiếu.

Hiệu đính xong, một số người khác sẽ tập trung rà soát từng câu, đảm bảo ngữ nghĩa thông suốt, thoát ý, câu văn không bị vấp váp, sửa lỗi chính tả. Cứ thế dần dần hoàn thành từng tập.

Phạm Thành Long: Và có thể nói là nhờ sự xuất hiện của Tam Quốc chí, nhóm dịch ban đầu chỉ gồm ba người đã kết nối được với nhiều bạn bè mới cũ cùng sở thích để hình thành nhóm Cổ Thư Lâu. Mỗi người phụ trách một công đoạn. Ở tập một, đóng vai trò quan trọng nhất là anh Bùi Thông và dịch giả Nguyễn Đức Vịnh, thành viên cũ của diễn đàn Tàng Thư Viện, làm công tác hiệu đính.

Võ Hoàng Giang: Tôi muốn nhấn mạnh đến những cánh “viện binh” sinh lực khác cũng vô cùng quan trọng, để Tư trị thông giám tập một ra mắt được (gần) như kỳ vọng: Lê Hải An và Cao Thế Khải, những người bạn cũ, cùng Nguyễn Đỗ Thuyên và Trần Minh Tiến - những tâm giao mới.

Bằng cách này hay cách khác, người đảm nhiệm rất nhiều công việc không tên, người âm thầm đóng góp những ý kiến, đó là những mắt xích không thể thiếu tạo nên sức mạnh tập thể, duy trì cảm hứng và củng cố lòng tự tin cho mỗi cá nhân.

- Tập một của bộ sách gồm những nội dung gì? Những nội dung ấy có ý nghĩa như thế nào với toàn bộ sách?

- Bùi Thông: Tập một luôn luôn là tập mang tính “tự giới thiệu” rất cao về bất cứ bộ sách nào, bạn biết mà. Ở đó có phần giới thiệu tổng quan về bộ sách Tư trị thông giám, tác giả, tác phẩm, một số biểu, chiếu, tấu thư để hiểu gốc tích sự ra đời của sách này, tư tưởng bao trùm của tác phẩm...

Phạm Thành Long: Về nội dung cụ thể, tập một bắt đầu từ năm 403 TCN đời Chu Liệt vương đến hết năm 141 Hậu Nguyên thứ ba đời Hiếu Cảnh đế nhà Hán. Và ở một khía cạnh khác, đây là điểm đánh dấu một hành trình mới, gian nan và đầy thú vị. Nhưng thực ra thì trên tư cách là người dịch, với chúng tôi, tập nào cũng đặc biệt, cũng cần cố gắng hết mình.

- Cách dịch giả mất bao lâu để dịch sách? Quá trình dịch ra sao?

-  Bùi Thông: Như đã nói, việc dịch bắt đầu sau khi ấn phẩm Tam Quốc chí ra mắt một khoảng thời gian, khi chúng tôi cảm thấy nghỉ ngơi và tận hưởng niềm vui thế là đã đủ rồi. Việc tìm tư liệu cũng không khó khăn, vì đây là tác phẩm rất nổi tiếng. Quá trình dịch thì sau khi phân định từng phần, mỗi người đảm trách công việc của mình, tuần tự tiến hành, chỗ vấp thì thảo luận rồi thống nhất và tiếp tục, cho đến khi có sản phẩm.

- Tiếng Hán cổ gây khó khăn gì cho các dịch giả? Nhóm dịch đã đối mặt với những khó khăn ấy ra sao?

- Phạm Thành Long: Cổ Hán văn với hình thức biền ngẫu giàu vần điệu, chất chứa nhiều điển tích mang nội hàm sâu xa mà lại cô đọng súc tích trong văn bản sử liệu luôn là thách thức với mọi thế hệ dịch giả. Với những người "tay ngang" như chúng tôi, khó khăn lại càng lớn hơn nhiều. Đặc biệt, Tư Trị Thông Giám bao trùm một khoảng thời gian rất dài, nhiều từ ngữ, khái niệm được phát sinh hoặc biến đổi giá trị theo thời gian. Điều đó đòi hỏi sự thận trọng cao độ trong quá trình diễn giải ngữ nghĩa.

Bùi Thông: Thứ ngôn ngữ này rất xa lạ với văn tự hiện đại, người Trung Quốc bình thường bây giờ cũng thấy khó hiểu, vậy nên có những dịch giả, nhà nghiên cứu phải dịch thứ văn tự cổ này sang tiếng Hán hiện đại, gọi là bạch thoại bản để người hiện nay đọc hiểu. Nhóm dịch bắt buộc phải đọc nhiều, tra cứu nhiều, đôi khi phải qua thảo luận khá nhọc nhằn, cốt sao truyền tải chính xác được ý văn. Thách thức, nhưng cũng là niềm vui.

Sach Lich su,  Dich sach anh 2
Việc dịch bộ Tam Quốc chí đã giúp nhóm dịch có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển ngữ, cũng như các công tác để xuất bản sách.

Dòng nước nhỏ trong trào lưu trở lại với các tác phẩm kinh điển đang cuồn cuộn chảy

- Tại sao nhóm dịch giả mất 10 năm để chuyển ngữ Tam Quốc chí, nhưng chỉ cần một năm sau là có thể ra mắt tập đầu của Tư trị thông giám?

- Bùi Thông: Tam Quốc chí cần 10 năm, đúng vậy, một phần vì ban đầu nhóm dịch chưa hoàn chỉnh, thiếu tính phối hợp, phụ cho cái thú “bàn Tam Quốc” chứ không có ý làm sách. Đôi khi gặp chỗ khó không biết hỏi đâu, thảo luận với ai. Mãi sau mới lập nhóm và đi đến mục tiêu chung.

Lần này thì khác. Nhóm dịch có sẵn, thành viên đông hơn, đặc biệt có bạn Nguyễn Đức Vịnh rất am hiểu Hán văn cổ gia nhập, nên công việc tiến triển rất tốt. Vậy nên chỉ cần một năm có thể dịch xong một tập, thậm chí có thể nhanh hơn (nếu có thời gian rảnh rỗi nhiều).

Phạm Thành Long: Về khối lượng công việc, tập một của Tư trị thông giám chỉ bằng 1/4 bộ Tam Quốc chí. Hơn nữa, trải qua quá trình dịch Tam Quốc chí, dịch giả Bùi Thông đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm dịch thuật cũng như kiến thức về cổ văn, nói hơi khoa trương thì đã “trưởng thành vượt bậc”, không còn bỡ ngỡ như giai đoạn mười năm trước.

Ngoài ra, như trên đã nói, nhóm dịch đã phát triển thêm nhân sự, kết nối chặt chẽ, hoạt động đồng bộ, đấy cũng là những yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ dịch thuật.

- 180 bản đặc biệt của tập một “Tư trị thông giám” đã bán hết sau 5 ngày. Vậy bản đặc biệt của bộ sách “đặc biệt” như thế nào?

- Bùi Thông: (cười) Đặc biệt ở đây chỉ mang ý nghĩa tượng trưng thôi. Còn nói cụ thể thì có lẽ điểm đặc biệt là ở chỗ người mong chờ có được cuốn sách này sẽ có sách sớm hơn, sách được đóng triện, đánh số, có dịch giả ký sách, thêm cái book mark…

Phạm Thành Long: Câu hỏi này đúng ra nên dành cho anh Đỗ Kim Cơ - Giám đốc Công ty Tri Thức Trẻ, đối tác đảm nhiệm việc phát hành sách của nhóm Cổ Thư Lâu - mới đúng. Theo kinh nghiệm của một người làm công tác phát hành sách, anh Cơ đánh giá bản dịch Tư trị thông giám là một văn bản có giá trị, lại là lần đầu được xuất bản, vì vậy đề xuất thực hiện một số bản "đặc biệt" phục vụ nhóm đối tượng chơi sách, sưu tầm sách.

À, có lẽ chuyện độc giả đặt mua sách có thể chọn số yêu thích cho cả các tập sẽ phát hành cũng là một điểm đặc biệt. 

- Khi bắt tay làm bộ sách, nhóm dịch hướng tới đối tượng độc giả nào?

- Phạm Thành Long: Nhóm đối tượng độc giả đầu tiên chúng tôi hướng đến khi bắt tay vào việc là chính bản thân và bè bạn cùng sở thích. Tuy nhiên, cũng như những người yêu văn hoá khác, chúng tôi mong mỏi rằng không riêng gì Tư trị thông giám mà tất cả các tác phẩm kinh điển mang theo những giá trị nhân văn cơ bản, những bài học được đúc kết từ lịch sử sẽ được đông đảo bạn đọc nhiệt tình đón nhận.

Võ Hoàng Giang: Nói một cách ngắn gọn thì đối tượng chủ yếu mà Tư trị Thông giám hướng đến đầu tiên vẫn là những người đã ủng hộ chúng tôi không mệt mỏi trong quá trình 10 năm chuyển ngữ Tam Quốc chí của Trần Thọ.

- Bộ sách có 18 cuốn, vậy nhóm dịch đã có kế hoạch gì để đảm bảo cho bộ sách được ra mắt toàn vẹn, nhanh và chuẩn xác tới tay bạn đọc?

- Bùi Thông: Cơ bản, hiện chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn 1 gồm 7 tập, và đang tích cực bắt tay vào dịch phần sử liệu giai đoạn 2 gồm 5 tập. Hy vọng có thể đáp ứng được cường độ xuất bản một năm khoảng 2-3 tập.

Phạm Thành Long: Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, cùng với bước tiến triển của bản dịch, càng ngày chúng tôi sẽ càng kết nối được với nhiều bè bạn sẵn lòng chung tay góp sức để bản dịch Tư trị thông giám sớm ra mắt độc giả.

Đọc lịch sử đang là thứ xu hướng hot

- Theo các anh, việc xuất bản “Tư trị thông giám” có ý nghĩa gì với bạn đọc Việt hiện nay?

- Phạm Thành Long: Tư trị thông giám tất nhiên là một tư liệu quý trong kho tàng tri thức của nhân loại. Nó cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quát về nhiều mặt, xuyên suốt cả quá trình phát triển khá dài của một trong những nền văn hoá lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để đánh giá việc xuất bản Tư trị thông giám ở Việt Nam có một ý nghĩa nào đó với độc giả thì là hơi vội vàng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Độc giả Việt Nam từ lâu đã đón nhận những pho sử kinh điển Đông Tây, như Sử ký (Tư Mã Thiên), như Tam Quốc chí, như Lịch sử Chiến tranh Peloponnese (Thucydides)… Tư trị thông giám chỉ là một trong số đó, một dòng nước nhỏ trong trào lưu trở lại với các tác phẩm kinh điển đang cuồn cuộn chảy hiện nay.

Võ Hoàng Giang: Và theo tôi, chỉ độc giả mới đủ tư cách trả lời câu hỏi này của bạn thôi (cười). Thậm chí là mỗi độc giả sẽ có một cách nhìn khác nhau…

- Nhóm dịch có đánh giá gì về việc tiếp nhận sách lịch sử của bạn đọc hiện nay?

- Võ Hoàng Giang: Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, thật vậy. Thứ nhất là như chúng ta vừa trao đổi ở trên, mỗi độc giả sẽ có cách tiếp cận riêng, với mọi vấn đề của cuộc sống nói chung cũng như với sách lịch sử nói riêng.

Thứ hai, trong thời đại này, rất khó để tách bạch mọi vấn đề: Phần lớn độc giả đón nhận sách lịch sử hồ hởi vì lý do gì? Vì thật sự muốn tìm hiểu lịch sử, hay vì nói chuyện lịch sử đã trở thành một thứ hot trend? Vì ưu thời mẫn thế, hay chỉ là trà dư tửu hậu? Trên tinh thần học thuật nghiêm túc, hay chỉ là những câu chuyện nịnh tai?...

Chúng tôi không phải là những nhà nghiên cứu xã hội học, không minh định được những sắc thái ấy, nên cũng xin không đánh giá gì. Chúng tôi, nói cho cùng, cũng chỉ làm việc mình muốn làm. Chỉ là một cuộc rong chơi nữa thôi…    

Mười năm, dịch 2.400 trang 'Tam quốc chí'

Dù "Tam Quốc diễn nghĩa" đã quá nổi tiếng song vẫn là tác phẩm hư cấu. Một nhóm dịch giả cùng yêu thích thời đại Tam Quốc đã cùng chuyển ngữ "Tam Quốc chí" của Trần Thọ.

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm