Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Họa sĩ Thăng Fly: 'Nhiều người nói Pikalong là ăn may, ừ thì đúng mà!'

Gần một năm sau cơn sốt Pikalong tràn ngập mạng xã hội, cuốn truyện tranh về Pikalong và những người bạn ra đời. Đằng sau cuốn sách là một họa sĩ, thâm trầm hơn những trang vẽ.

thang fly ra sach rong pikalong anh 1

Gần một năm sau cơn sốt Pikalong tràn ngập mạng xã hội, cuốn truyện tranh về Pikalong và những người bạn ra đời. Đằng sau cuốn sách là một họa sĩ, thâm trầm hơn những trang vẽ.

Tháng 7/2015, Thăng Fly bay từ Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội. Đó là một ngày sau khi anh lên tiếng tố công ty sản xuất phim hoạt hình Sunrise ăn cắp bản quyền truyện tranh Ba tôi của anh để làm phim Ba tôi phát trong chương trình Quà tặng cuộc sống của VTV.

thang fly ra sach rong pikalong anh 2

Trước khi gặp một nhóm phóng viên ở Hà Nội, Thăng cùng đại diện công ty sách phát hành sách đến trụ sở đơn vị sản xuất phim hoạt hình đề nghị gặp nhưng lãnh đạo công ty từ chối. Sự việc gây ồn ào trên qua fanpage Thăng Fly Comics - khi đó chưa đầy 100.000 lượt thích - và báo chí trong vòng một tuần, trước khi chìm vào quên lãng, như bao câu chuyện khác về bản quyền ở Việt Nam.

Đến tận bây giờ, Thăng vẫn chưa nhận được một lời phản hồi trực tiếp nào từ phía đơn vị vi phạm. Nhưng với Thăng, từ lâu, chuyện đó không còn quan trọng nữa. Hiện tại, anh sống ở TP.HCM, nhận hợp đồng vẽ kín lịch. Mỗi ngày, anh đều đặn đăng một trang truyện tranh hài hước nhẹ nhàng lên fanpage, với nhân vật chính là rồng Pikalong và nhóm bạn.

Fanpage đang có hơn 920.000 lượt thích. Và tháng 11 này, cuốn sách Pikalong ra sạp.trong

thang fly ra sach rong pikalong anh 3

Tháng 1/2017, mô hình rồng vàng ở thành phố Hải Phòng với hình thù hài hước tạo nên làn sóng "viral" trên mạng xã hội Việt Nam. Ngẫu hứng từ nhân vật này, Thăng Fly vẽ chú rồng Pikalong. Bộ tranh 20 biểu cảm của chú rồng này lập tức được hàng trăm nghìn cư dân mạng lấy làm avatar và bình luận khắp các trang mạng.

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần hết năm 2017.

Từ Pikalong, trang fanpage Thăng Fly Comics đã mở rộng ra bộ nhân vật gồm hải cẩu, gà, cá mập, lợn, gấu trúc, hổ, có cả mẹ của Pikalong và phiên bản nữ của các nhân vật, rồi cả Donald Trump, Hoa hậu Đại dương, tài tử Mỹ Samuel L. Jackson... Bất cứ ai mà Thăng quan tâm. Qua nét vẽ của nhóm Thăng Fly Comics, các nhân vật này hóa thân vào mọi câu chuyện thời sự, mọi hoàn cảnh, mọi tình huống dở khóc dở cười và mang lại tiếng cười cho độc giả.

thang fly ra sach rong pikalong anh 4

Nhưng gắn bó với cái tên Thăng Fly nhất vẫn là Pikalong, chú rồng là biểu tượng của sự thất bại, FA (ế), ngờ nghệch, học dốt, nghèo, không có nhà to xe đẹp, luôn thiếu may mắn... Tất cả những đặc điểm mà mỗi người đều từng tìm thấy mình trong đó và cảm thấy được an ủi.

Và Thăng biết rõ hơn ai hết, nhiều người nói anh "ăn may", "tự dưng vẽ được con rồng rồi hot quá, lộc quá, giờ vẽ quảng cáo suốt ngày", "chả hiểu sao vẽ mỗi con rồng mà nổi hoài"...

Thăng nói: "Trước khi có sự ăn may đó, trong ba năm tôi đã ngồi vẽ và xuất bản 5 cuốn sách, gần nghìn trang truyện đăng lên mạng để độc giả đọc cho vui, rồi còn cả trăm trang bản thảo gửi hai công ty sách bị họ loại và không dám đăng ở đâu cả". Tất nhiên, Thăng biết nguyên nhân của điều đó. Các sản phẩm của anh khi đó chưa đủ độ thuyết phục.

Và cả lần ra Hà Nội kiện bản quyền truyện tranh Ba tôi, đã xuất bản trong cuốn Cả nhà thương nhau (năm 2014), mà bên bị kiện từ chối không gặp dù báo chí đưa tin ầm ĩ. Lần đó, nghĩ thế nào Thăng cũng giống một người trẻ tỉnh lẻ bị bắt nạt. Hình tượng Pikalong đã có từ ngày đó. Không chỉ là một con người, có rất nhiều con người trong con rồng ngờ nghệch đó.

Nhưng họ vẫn đi xa, họ không thể dừng lại. Thêm một lần thất vọng về cuộc sống là thêm một lần trưởng thành. Thăng tâm sự: "Có lúc ở Đà Nẵng, với một ít tiền trong tài khoản, một chiếc xe côn, một vài người bạn. Tôi có thể chỉ đi lên đồi xuống biển và uống bia ngày qua ngày hưởng thụ".

"Nhưng không được lâu. Tôi lại lo xa, muốn kiếm thêm ít tiền nữa cho tương lai, sợ chết đói. Quan trọng nhất là tôi nghiện việc vẽ truyện, nghiện việc đọc phản ứng của người khác khi truyện đăng lên mạng. Thế nên tôi lại vẽ và đăng hàng ngày".

"Một ngày nọ tôi vẽ Pikalong thế là mọi việc đến với mình".

Cười hiền, Thăng nói thêm: "Còn nếu tôi lựa chọn chỉ nhậu và nghỉ ngơi thì chắc giờ vẫn không có Pikalong nào hết vậy".

thang fly ra sach rong pikalong anh 5

Thăng Fly trước Pikalong là một phong cách vẽ rất khác. Anh thích vẽ về tình cảm gia đình, về tình bạn thời tuổi trẻ, về tình yêu trong sáng mong manh và cả chủ đề lịch sử. Nhiều độc giả theo dõi fanpage Thăng Fly Comics từ trước Pikalong sẽ nhớ phong cách vẽ này. Những nhân vật dễ thương, những câu chuyện hiền hiền. Không hài hước đến cười phá lên như bây giờ, nhưng gợi nên những cảm xúc liu riu.

Nhân vật chính một thời của Thăng là chàng FA đeo kính (lấy hình tượng từ chính bản thân anh nhưng... đẹp trai hơn), luôn mặc vest bảnh bao, không có người yêu, luôn cô đơn, sự nghiệp nhiều hoang mang... Thời đó, Thăng vẫn thêm gia vị hài hước vào, nhưng còn rất nhẹ so với bây giờ.

Anh vẽ Cả nhà thương nhau, Thư gửi nỗi buồn, Ông, Trước bến Văn Lâu, 100 điều anh yêu em... vẫn có nhiều độc giả yêu mến, dù không đông như bây giờ. Nhưng ở thời Thư gửi nỗi buồn và các truyện dạng đó, anh còn có nhiều “fan cứng” hơn bây giờ. Là những người thường xuyên inbox tâm sự thật lâu. Giờ fanpage đang trên đà đạt 1 triệu lượt thích, người đọc đông hơn, nhưng người đọc thân thiết giảm đi nhiều.

thang fly ra sach rong pikalong anh 6

Quy luật cuộc sống là vậy chăng?

Các nội dung ngắn gọn hài hước trong một trang truyện, bám sát những chủ đề thời sự nhưng có một góc nhìn riêng, đó là xu thế của bây giờ. Thăng nói Facebook, Zalo với những dòng trạng thái, những bức ảnh ngắn gọn đang chiếm ưu thế về bề nổi so với các trang chia sẻ những nội dung dài và sâu hơn như Yahoo 360 ngày xưa, blog, forum…

Thăng vẫn bắt kịp dòng chảy của mạng xã hội chứ không để sự hoài cổ kéo mình lùi lại. Anh vẫn có cảm giác rất đã và rất vui khi các trang truyện hài hước về nhóm bạn Pikalong khiến truyện anh được cả nghìn người đọc, bình luận, tranh cãi, yêu thích, buồn, giận dữ… Vẽ gì thì vẽ, có được độc giả vẫn là niềm hạnh phúc không gì sánh được.

"Tất nhiên thì các nội dung sâu sắc và dài hơn sẽ không bao giờ chết và luôn có chỗ đứng. Có lẽ một thời gian nào đó trong quãng đời tiếp theo tôi sẽ có dự án như vậy. Tôi có ý tưởng rồi". Đó là một câu chuyện lịch sử. Họa sĩ vẽ Pikalong là người rất thích những câu chuyện lịch sử Việt Nam. Đưa chúng đến gần với độc giả qua truyện tranh là một trong những ước mơ ấp ủ của anh.

Nỗi hoang mang của hôm nay so với ngày trước đã bé nhỏ đi nhiều, dù chẳng bao giờ tan biến. Anh tự lý giải, là vì vẫn có người cần mình: "Chắc mọi người vẫn cần những người làm nội dung như tôi, nên bọn tôi sẽ vẫn còn có ích cho xã hội này thêm khoảng thời gian lâu lâu nữa".

Và anh biết, mạng xã hội cũng chỉ là thời cuộc. Qua Pikalong nhiều công ty tìm đến Thăng. Và anh chàng họa sĩ tự nhủ: "Sau này, khi hình thức kết nối khác lên ngôi, hy vọng một trong số họ còn nhớ đến mình."

"Nghĩ rộng ra, tôi cũng chỉ là một cá thể nhỏ bé đang lo lắng quá nhiều cho các vấn đề của bản thân, giữa dòng đời rộng lớn, cuộc sống khổng lồ này. Lo lắng của mình như hạt cát, có ý nghĩa gì đâu, cứ tiếp tục sống, làm việc, yêu, kết giao, trong cái vòng tròn bé nhỏ của mình vậy thôi". Thăng sinh năm 1988.

thang fly ra sach rong pikalong anh 7

Thăng từng có một lựa chọn khá lạ so với bạn bè đồng lứa: sống tại thị trấn Đô Lương (Nghệ An), làm họa sĩ và làm thầy dạy vẽ. Trong khi bạn bè đồng lứa, nhất là giới họa sĩ trẻ, khó sống xa đô thị, nơi cho họ nguồn cảm hứng và các hợp đồng công việc vì các ngành truyền thông, văn hóa nghệ thuật phát triển.

Và tất nhiên Thăng rời Đô Lương. Điểm đến đầu tiên là Đà Nẵng. Sau đó gần một năm là Sài Gòn. Ở Sài Gòn, anh thấy ổn.

"Tôi thích thay đổi", Thăng nói. "Công việc cũ gây cho tôi cảm giác nhàm chán, thu nhập cũng chẳng cao. Đi đến chỗ mới sẽ cho mình một cơ hội tươi mới và tốt hơn. Thêm nữa là bạn bè ở nơi sống cũ cũng bỏ đi nơi khác, tôi cũng muốn đi để kết giao thêm bạn bè mới".

Có những nghề nghiệp chỉ thuộc về đô thị. Truyền thông, quảng cáo, giải trí, sự kiện... Ở Đô Lương, sẽ chẳng ai có nhu cầu mời Thăng vẽ quảng cáo cho một chiến dịch khuyến mại pizza mới, và cũng không ai tổ chức một chương trình tặng quà dành cho 1.000 khách hàng đầu tiên mua sản phẩm công nghệ mới, hay một sự kiện ca nhạc quảng bá nhãn hàng có sự góp mặt của Sơn Tùng M-TP.

thang fly ra sach rong pikalong anh 8

Thế giới không phẳng như chúng ta tưởng, hoặc thế giới ở Sài Gòn phẳng hơn thế giới ở Đô Lương, nên người trẻ vẫn cứ phải có mặt ở các đô thị.

"Sài Gòn rất đông, có thể cứ 1.000 người thì có một người cùng sở thích với mình, cùng thích Quentin Taratino và Naoki Urasawa chẳng hạn", Thăng nói. "Hoặc cứ 1.000 người thì có một người muốn làm ăn với mình. Vì thế ở Sài Gòn tỷ lệ tìm thấy bạn bè và cơ hội làm việc cao hơn. Và thực tế, tôi đã có thêm vài người bạn tốt và thêm nhiều công việc", Thăng nói.

Sau hai năm, Thăng khác nhiều. Anh sống ở quận 7, nơi có nhiều nhà cao tầng và đại lộ. Sài Gòn bây giờ rất nhiều quận bắt đầu có nhà cao tầng và đại lộ. Và ngày càng nhiều người trẻ sống sau cửa kính các chung cư mới mọc. (Vậy là tốt rồi, Sơn Tùng M-TP khi mới vào Sài Gòn còn sống trong một phòng trọ chật hẹp ở Bình Thạnh).

Buổi tối, qua ô cửa, họ ngắm nhìn thành phố rực rỡ dưới ánh đèn, hoặc đang ngồi mơ về một tương lai đẹp, hoặc đang làm việc để hiện thực hóa chính tương lai đó.

Hoặc đang vẽ.

thang fly ra sach rong pikalong anh 9

Thăng Fly và "Pikalong" - cuốn truyện tranh thứ sáu 

thang fly ra sach rong pikalong anh 10
 

Họa sĩ Thăng Fly tên thật là Bùi Đình Thăng, sinh năm 1988 tại Đô Lương, Nghệ An. Hiện anh sống và làm việc tại TP.HCM.

Pikalong là tên cuốn truyện tranh thứ sáu được xuất bản của Thăng Fly. Cuốn truyện gồm 4 chương, kể về cuộc sống vui nhộn của chú rồng Pikalong và nhóm bạn sống ảo, trong thời đi học, những chuyện chỉ có trong truyền thuyết và khi trưởng thành.

Thăng Fly gây sốt với bộ tranh về miền Trung bão lũ

Qua những tấm hình này, họa sỹ trẻ muốn kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay để giúp đồng bào miền Trung qua những ngày khốn khó.

Mi Ly

Ảnh: NVCC
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm