Ngày 9/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc đầu tiên cùng Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg về báo cáo "Việt Nam 2030".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về Báo cáo Việt Nam 2030. |
Công trình do WB phối hợp với Chính phủ thực hiện nhằm đưa ra những kiến nghị để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới đây.
Theo tổ chức này, 20 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,7%, cao thứ hai thế giới. Tuy nhiên, nếu muốn bắt kịp những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9% mỗi năm trong 20 năm tới. Trong trường hợp chỉ tăng trưởng trung bình 5-6% mỗi năm, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình.
Câu hỏi lớn được đặt ra là Việt Nam có thể hay không và cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh, tăng trưởng nhanh hơn, phát triển bền vững và để người dân được thụ hưởng nhiều nhất kết quả phát triển. Những vấn đề này sẽ được các chuyên gia đưa ra trong báo cáo "Việt Nam 2030", dự kiến hoàn thành cuối năm 2015.
Đầu năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã được giao chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hàng tỷ USD, hàng nghìn tỷ đồng là những lợi ích kinh tế mà Việt Nam sẽ có được nếu thực hiện theo đúng mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra.
Ví dụ, nếu giảm được một ngày trong thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu thì các doanh nghiệp Việt Nam giảm được khoản chi phí giao dịch tương đương 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm, ước khoảng 2,7 tỷ USD.
Hoặc nếu số giờ nộp thuế giảm từ 872 giờ một năm xuống còn 171 giờ một năm như mục tiêu của Nghị quyết 19, sẽ tiết kiệm chi phí tới 6.600 tỷ đồng.
Báo cáo "Việt Nam 2030" sẽ kế thừa những đánh giá về quá trình phát triển sau gần 30 năm đổi mới; xác định cơ hội, thách thức mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt, từ đó nghiên cứu, định hình một kịch bản phát triển trong giai đoạn tới. Cuộc họp thống nhất thời gian nghiên cứu báo cáo khoảng 20 năm.