Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng tiêu chí dự án trọng điểm quốc gia lên 35.000 tỷ: Quá cao

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tiêu chí dự án trọng điểm quốc gia nâng lên gấp 3,5 lần hiện tại là quá cao và đề xuất chỉ tăng đến 15.000 tỷ đồng.

Ngày 21/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 31 cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công.

Vấn đề còn nhiều đại biểu tranh luận trong dự thảo là việc nâng mức vốn của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng. Đồng thời điều chỉnh tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C trong dự thảo luật.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng việc điều chỉnh mức vốn từ 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ là quá cao, dẫn tới khó kiểm soát. Trong báo cáo thẩm tra, ông Hải cũng nêu ý kiến một số đại biểu đề nghị điều chỉnh mức vốn dự án quan trọng quốc gia lên 15.000 tỷ đồng (tăng 50%).

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề nghị thay vì chỉ tăng lên 15.000 tỷ đồng thì lên mức 20.000 tỷ đồng.

quoc hoi thao luan luat dau tu cong anh 1
Bộ KH&ĐT cho rằng tiêu chí dự án trọng điểm quốc gia hiện là 10.000 tỷ đồng đã không còn phù hợp thực tiễn, cần phải nâng lên. Cơ quan này đề xuất lên mức 35.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: L.H.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình việc có thể nâng mức vốn với dự án quan trọng quốc gia vì tiêu chí này đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên bà cho rằng cần xem xét lại nâng lên bao nhiêu bởi con số 35.000 tỷ là quá cao.

Lấy dẫn chứng, Chủ tịch Quốc hội cho biết từ khi có Luật Đầu tư công, mới có 2 dự án có mức vốn trên 10.000 tỷ được Quốc hội xem xét thông qua là dự án Sân bay Long Thành và Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn phía đông. Và cả 2 dự án đều không có vướng mắc gì.

“Có khi Quốc hội ra nghị quyết giao vốn cả năm rồi mà chưa triển khai được. Như dự án sân bay Long Thành, Quốc hội ra nghị quyết 8 tháng vẫn chưa giao được vốn", bà nêu vấn đề.

quoc hoi thao luan luat dau tu cong anh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận sáng 21/2. Ảnh: Quochoi.vn. 

Một cách cẩn trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế một số dự án có dấu hiệu chia nhỏ đi để tránh phải trình ra Quốc hội, vì khi trình ra thường thủ tục phức tạp, thậm chí có xu hướng khó thông qua.

“Cần hết sức cân nhắc việc nâng mức vốn đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia”, bà nhấn mạnh.

Ngoài thảo luận về tiêu chí dự án trọng điểm quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga chỉ ra thực trạng các dự án đầu tư công, nhất là dự án giao thông có tình trạng xuống cấp nhanh, chậm tiến độ, thất thoát lãng phí lớn trong khi các dự án của tư nhân thì chất lượng rất tốt.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị nếu sửa đổi Luật Đầu tư công cần phải kiểm điểm trách nhiệm vì sao chưa tới 5 năm luật đã phải sửa.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo đó, từ khi ban hành vào năm 2014, Luật Đầu tư công bộc lộ nhiều vấn đề khiến việc giải ngân vốn ở nhiều địa phương gặp khó khăn.

Hiện, cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự án Luật mới, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới.


Hiếu Công - Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm