Ngày 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 31. Phiên họp chỉ kéo dài trong 1 ngày.
Buổi sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố khai mạc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Trong đó, trọng tâm thảo luận là những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này, như quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên (hiện nay là 10.000 tỷ đồng). Ngoài ra dự thảo luật mở quá rộng tiêu chí xác định dự án khẩn cấp; đồng thời, tiêu chí các dự án “đặc biệt” chưa được làm rõ...
Sau đó, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Dự thảo vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đến nội dung quy định về khoanh nợ, xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng dự luật mới chỉ đề cập đến lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trò chơi trực tuyến... một cách chung chung, mờ nhạt chưa cụ thể, cần xác lập rõ hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ đọc tờ trình về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cho dự án đầu tư xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Đây được coi là một trong những bước gỡ vướng cho dự án Đại học Quốc gia được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành do khó khăn về vốn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cho dự án đầu tư xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Ảnh: Việt Linh. |
Tiếp theo là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ đọc báo cáo thẩm tra. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến trước khi chủ tọa kết luận.
Buổi chiều, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo lấy kết quả ý kiến người dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo ý kiến.
Tháng 8/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chủ động tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 22/1/2019, qua 100 báo cáo, biên bản, tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đã có khoảng hơn 1 triệu lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo luật.
11 nhóm vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến. Trong đó vấn đề đào tạo, tuyển sinh sinh viên sư phạm, được nhiều ý kiến quan tâm đóng góp.
Ủy ban Thường vụ sẽ thảo luận về kết quả mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo, trước khi chủ tọa kết luận.
Theo Bộ GT&ĐT, đã có hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Lê Quân. |
Trước đó, ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 30 để cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thông qua 3 Nghị quyết.
Các Nghị quyết gồm: Cử ủy viên hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; thành lập thị trấn Thường Thới Tiền (thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp); nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương).