Lương công chức, viên chức dự kiến tăng 30%. Ảnh minh họa. |
Lương cán bộ công chức, viên chức tăng 30%
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm tính từ năm 2025 khoảng 7%/năm.
Theo đó, chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương 1 - 2,34 – 10 của hiện nay lên thành 1 - 2,68 - 12.
Với việc mở rộng quan hệ tiền lương trên, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Đồng thời, mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm với hệ số 2,68 (cao hơn so với hệ số 2,34 hiện nay). Với hệ số 2,34 thì công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12. Do đó, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến sẽ cao hơn so với con số 18 triệu đồng hiện nay.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị đặc thù được lương mới sẽ không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 27 bảo đảm công bằng giữa các đối tượng hưởng lương trước và sau khi cải cách tiền lương.
Lương hưu cần được điều chỉnh tăng tương xứng
Cùng với việc cải cách tiền lương công chức thì lương hưu, trợ cấp BHXH cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7 tới.
BHXH Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng thêm 8% cho người hưởng hưu trí cả khu vực công và tư; kinh phí dự kiến là hơn 8.800 tỷ đồng. Trong khi, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ít nhất lương hưu phải tăng 15%.
Hiện chưa có con số chính xác về mức tăng lương hưu từ ngày 1/7, dự kiến Nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ trình Chính phủ vào tháng 5.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng lương bao nhiêu thì người về hưu cũng cần phải được điều chỉnh tăng tương xứng. Bởi vì, nếu mức tăng quá thấp, không bù được trượt giá thì chỉ làm cho người hưởng lương hưu thêm khó khăn.
Ông Lợi cũng nói rõ, cải cách tiền lương là quá trình tích lũy của nhiều năm mà trong đó thế hệ trước tích lũy cho thế hệ bây giờ. Nguồn quỹ 560.000 tỷ đồng từ quỹ BHXH là quá trình tích lũy của thế hệ trước, nếu tăng lương không phù hợp thì không đảm bảo công bằng với người về hưu.
Lương hưu được BHXH Việt Nam đề xuất tăng 8% từ ngày 1/7 tới. Ảnh minh họa. |
Tăng lương tối thiểu vùng 6%
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời điểm áp dụng từ 1/7.
Với mức điều chỉnh trên, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.
Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng, mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.
Đối với mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%: Vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – Ủy viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức tăng 6% lương tối thiểu vùng về cơ bản đáp ứng được một phần kỳ vọng của người lao động. Mức tăng này về bản chất là bảo vệ người lao động yếu thế, đây là mức lương thấp nhất để chi trả cho người lao động trong điều kiện làm việc bình thường đảm bảo mức sống tối thiểu.