Theo bảng khảo sát này, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu và giàu có. Người Việt Nam tỏ ra lạc quan hơn so với tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và một số quốc gia đang trỗi dậy khác.
Có đến 90% người tiêu dùng Việt Nam đều nghĩ rằng, con cháu họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong khi tỷ lệ này chỉ đạt 70% tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
Ở góc độ doanh nghiệp, khảo sát của công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đơn vị thực hiện Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - VNR500, cho thấy, có đến 83,6% các CEO tỏ ra lạc quan về doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013. Mặc dù vẫn có những nhận định bi quan nhưng tỷ lệ này thấp cho thấy niềm tin kinh doanh đang trở lại sau 4 năm bi quan.
Có đến 90% người tiêu dùng Việt Nam đều nghĩ rằng con cháu họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn |
Những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn. Trong lĩnh vực điện tử, Tập đoàn Samsung đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử tại Thái Nguyên với tổng vốn 2 tỷ USD. Tập đoàn LG cũng đã đầu tư vào dự án nhà máy ở Hải Phòng với vốn 1,5 tỷ USD.
Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm công nghệ, Nestlé đã khai trương nhà máy chế biến cà phê với vốn đầu tư 240 triệu USD nhằm phục vụ nhu cầu của khu vực Đông Nam Á. Trong lĩnh vực thức ăn nhanh và đồ uống, thị trường đã chứng kiến sự góp mặt đầy đủ của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như KFC, Starbucks, Pizza Hut, Burger King và mới đây đây nhất là McDonalds.
Hiện nhà đầu tư này đang khẩn trương xây dựng để sớm đưa vào kinh doanh cửa hàng đầu tiên tại một vị trí đắc địa ở quận 1, TP.HCM. Sự có mặt của nhà đầu tư đến từ Mỹ này cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam trong tương lai.
Bởi, trước khi xuất hiện, đơn vị này đã mất nhiều năm nghiên cứu khá kỹ về người tiêu dùng, về thị trường. Và dĩ nhiên, không chỉ có một cửa hàng mà McDonalds sẽ thành lập một chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn.
Không chỉ có từng ấy nhà đầu tư, Việt Nam đang tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Theo đánh giá của BCG, hiện nền kinh tế Việt Nam cân bằng tốt giữa xuất khẩu và vốn đầu tư mang đến sự tăng trưởng như hiện nay.
Nhờ sự phát triển các ngành công nghiệp thiết bị và phụ kiện thiết bị cộng nghệ, kim ngạch xuất khẩu và vốn đầu tư của Việt Nam tăng nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm của Việt Nam sẽ từ 1.400 lên 3.000 USD vào năm 2020.
Ông Douglas Jackson, Giám đốc Điều hành BCG tại TP.HCM, đồng tác giả bản nghiên cứu "Việt Nam và Myanmar: Những biên giới tăng trưởng mới tại Đông Nam Á", cho rằng, các công ty đang đầu tư vào Việt Nam giờ đây có cơ hội để xây dựng kế hoạch kinh doanh, thương hiệu, tạo đà phát triển tại đất nước vốn có nền kinh tế khép kín. Tuy nhiên, thành công như thế nào phụ thuộc vào mức độ hiểu biết như thế nào về người tiêu dùng Việt Nam và biết cách thỏa mãn họ.
Hiện tầng lớp trung lưu và giàu có không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà đang lan nhanh ra nhiều tỉnh - thành khác trong cả nước. Nghiên cứu của BCG, cho thấy, hơn một nửa người tiêu dùng (51%) và 80% người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có mua sắm tại các siêu thị và đại siêu thị bên cạnh các cửa hàng truyền thống.
Và dù nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn, nhưng có 70% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng rằng nền kinh tế đang đi lên. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang có nguồn tài chính đảm bảo và có nhu cầu mua hàng cao. Khảo sát của BCG cho thấy, có đến 80% số người tiêu dùng cho biết muốn mua nhiều hơn so với năm trước và sẵn sàng sử dụng thẻ tín dụng khi mua hàng.
"Ngày nay, Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn và sẽ hấp dẫn hơn nữa trong tương lai. Đây chính là thời điểm để quyết định đầu tư và phát triển chiến lược mở rộng thị trường", ông Douglas Jackson nói.