Sáng 24/10, tại buổi tọa đàm trực tuyến về chất lượng dịch vụ hàng không do báo Giao thông tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Nhật nói, những năm gần đây, do tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng, thế giới và sự hội nhập kinh tế quốc tế nói chung tăng cao nên lưu lượng khách tham gia giao thông bằng đường hàng không ngừng tăng.
Cả lượng khách lẫn hàng hoá qua đường hàng không tại Việt Nam mấy năm qua đều tăng hai con số.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, với lượng khách 26 triệu/năm, Tân Sơn Nhất đã hết sức quá tải. Ảnh: Khánh An. |
"Riêng tại càng hàng không Tân Sơn Nhất, theo quy hoạch phê duyệt tới năm 2020 sẽ đáp ứng 25 triệu lượt hành khách. Tuy nhiên, chỉ tới tháng 10/2015 lượng khách đến đã là gần 25 triệu, vượt quy hoạch", ông Trường nói.
Lý giải việc trên, vị Thứ trưởng cho rằng, Tân Sơn Nhất không thể mở rộng được do quỹ đất không có.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nhật cũng thẳng thắn thừa nhận ở các lĩnh vực phi hàng không ở một số cảng hàng không vẫn chưa được đánh giá tốt. Ông nói, ở một số lĩnh vực có thể cố gắng được nhưng chưa làm tốt như vệ sinh, dịch vụ nhà hàng, thái độ phục vụ, vấn đề thông tin như wifi.
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh lưu ý, nếu các cảng hàng không quốc tế nâng cao chất lượng phục vụ sẽ chịu sức ép rất lớn về cạnh tranh điểm đến với các Cảng hàng không quốc tế khác như Changi (Singapore), Bangkok (Thái Lan)...
Ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, hiện, khó khăn về hạ tầng diễn ra cả trong và ngoài cảng hàng.
Hạ tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất rất bất cập, đặc biệt là tình trạng quá tải từ bến đậu tàu bay đến đường lăn, nhà ga... Chẳng hạn hiện chỉ có 41 bến đậu cho các loại tàu bay, trong khi mỗi ngày có trên 500 lần chuyến/ngày. Hệ thống đường lăn ở Tân Sơn Nhất hiện cũng chỉ có hai đường lăn độc đạo nên cũng tạo ra khó khăn.
Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay, giao thông kết nối giữa sân bay với thành phố cũng đang bức xức. Trung bình mỗi ngày trên 70.000 khách ra vào sân bay, người đưa tiễn gấp đôi nên dẫn đến ùn tắc ở khu vực cửa ngõ sân bay. Trong khi sân bay chỉ có hai cửa ngõ là Bạch Đằng và Trường Sơn đi ra ngoài, hành khách đi đến sân bay nhiều lúc cũng bị ùn tắc, kẹt xe gây bức xúc.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với Sở GTVT, Công an thành phố để phối hợp điều tiết giao thông tại các nút giao xung quanh sân bay giảm ùn tắc, kẹt xe cho người dân khi đến sân bay hoặc từ sân bay đi về", ông Tú nói.
Không bao giờ hết chậm, hủy chuyến
Trước câu hỏi của độc giả “Liệu bao giờ mới chấm dứt được việc chậm, hủy, chuyến tại Tân Sơn Nhất?”, ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam khẳng định, không thể chấm dứt tình trạng chậm, trễ và hủy chuyến mà chỉ có thể giảm thiểu tối đa thực trạng này.
Lý do được ông Mậu đưa ra là sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Trong khi đó lượng khách ngày càng tăng lên.
Tình trạng chậm, hủy chuyến khiến hành khách bức xúc. Ảnh: Khánh Linh. |
"Lý do chậm, hủy chuyến chủ yếu là do thương mại, khai thác, trục trặc kỹ thuật. Thời tiết xấu cũng là nguyên nhân. Hôm qua, tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 74 chuyến chậm vì mưa to" - ông Mậu nói.
Bổ sung cho vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết năm 2014 tỷ lệ chậm chuyến là 17,3%, hủy chuyến là 2%. Tới 9 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ chậm chuyến giảm còn 15,5% và hủy chuyến còn 0,5%.
Theo ông Ngọc các con số này cũng ở mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, ngành vẫn đang phấn đấu để tiếp tục giảm xuống nữa.
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho rằng việc chậm hủy chuyến là câu hỏi khó với nền hàng không thế giới. Vì hàng không là khai thác thông mạng nên việc chậm, trễ chuyến có thể tác động theo dây truyền.
Ví dụ, tối 23/10 nhiều chuyến bay ở Tân Sơn Nhất bị chậm do mưa lớn tại TP HCM kéo theo các chuyến khác tại Nội Bài cũng bị chậm.
“Trong năm vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến. Hiện tỷ lệ chậm chuyến 15% vẫn ở mức trung bình nếu xếp theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không thể thỏa mãn với kết quả trên và cần có sự nỗ lực quyết liệt hạ tỷ lệ chậm chuyến, trừ những trường hợp thời tiết bất khả kháng”, ông Thanh nói.
Đã phá nạn ăn cắp hành lý
Theo đánh giá của ông Lại Xuân Thanh, trong 6 tháng đầu năm 2015 tình trạng mất cắp, ăn cắp, xâm hại tài sản trở nên nhức nhối, tuy nhiên sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng có chỉ đạo, cả ngành cùng quyết liệt vào cuộc và đến nay tình trạng này cơ bản đã được dẹp.
Vận chuyển hành lý từ máy bay vào khu chờ. Ảnh minh họa: Cục Hàng không. |
Ông Thanh cho rằng, đạt được kết quả này chính là nhờ hệ thống giải pháp đồng bộ từ việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận được phân định rõ rệt. Ngoài ra, việc tăng cường thiết bị giám sát, tìm ra được những điểm đen để đưa camera di động; thiết lập kiểm soát cổng ra vào, quy định trang phục không có túi... khiến nhân viên hàng không không dám nghĩ tới chuyện lấy cắp. Nếu có lấy, họ cũng không dám mang ra ngoài.
"Thực tế, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vật mất cắp trong thùng rác", ông Thanh tiết lộ.
Cục trưởng Cục Hàng không cho hay, hành vi lợi dụng chức vụ để trộm cắp hành lý cũng bị xử phạt rất nặng. Họ không chỉ bị xử phạt hành chính, đuổi việc mà còn quy định không bao giờ được làm việc trong ngành hàng không.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo rà soát lại thu nhập, chế độ hợp đồng của nhân viên hàng không, tạo sự an tâm, gắn bó đối với người lao động.
Ông Đoàn Minh Quân- Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc thông tin, mất hành lý, tài sản sân bay có 2 loại: 1 là hành lý xách tay, 2 là hành lý ký gửi. Qua kiểm tra có một số trường hợp hành khách lấy của nhau, trường hợp khác là nhân viên hàng không, hoặc nhân viên của các đơn vị chúng ta cho thuê kinh doanh dịch vụ. Các trường hợp này đã được xử lý kịp thời, trả lại hành lý cho hành khách bị mất.
Đối với hành lý ký gửi, tại các băng chuyền có lắp đặt camera giám sát, nhân viên an ninh cùng phối hợp giám sát hành lý thì việc hành lý ký gửi đã giảm đi rất nhiều.
Ông Quân cũng cho hay, số lượng hành khách khiếu nại việc hành lý bị hao hụt đã giảm từ 35 trường hợp trong quý I xuống còn 24 trường hợp trong quý II/2015.