Vừa qua, lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam, Ban giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất cùng các đơn vị liên quan có buổi họp bàn phương án nâng chất lượng dịch vụ sau khi có thông tin nơi này bị xếp vào nhóm tệ nhất châu Á.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: "Sân bay Tân Sơn Nhất phải chịu đựng tình trạng quá tải này tối thiểu là 8 năm nữa, đến khi có sân bay Long Thành chứ không có cách nào khác".
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực ga quốc nội. Ảnh: Trường Nguyên. |
Để giải quyết tình trạng trước mắt, lãnh đạo sân bay đã có phương án thay đổi nhà cung cấp dịch vụ Wifi, đốc thúc nhân viên luôn giữ sạch sẽ không chỉ khu vực nhà vệ sinh mà toàn bộ sân bay và nhắc nhở về thái độ, phong cách phục vụ hành khách.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc công ty dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) chia sẻ: "Chúng tôi rất buồn khi Tân Sơn Nhất bị xếp vào nhóm sân bay tệ nhất châu Á. Theo tôi nguyên nhân là do quá tải trầm trọng, không còn diện tích mở rộng.
Như ở Singapore vừa xây xong nhà ga thứ 3 hiện đại, trong khi chưa sử dụng hết công suất thì đã lên kế hoạch xây thêm nhà ga thứ 4. Còn chúng ta phải chờ sân bay Long Thành, nhưng nơi này ít nhất phải 8 năm nữa mới xong”.
Từ những thức trạng như vậy, ông Hùng cho rằng nên tập trung cải thiện 4 tiêu chí: Thoải mái của hành khách - Thuận tiện trong công việc, đi lại - Sạch sẽ sang trọng - Chăm sóc khách hàng tốt.
"Đặc biệt phải điều tra xem nhân viên tại sân bay có tình trạng gây khó khăn, tham nhũng, lấy cắp tài sản của khách hay không. Nếu có thì phải xử lý nghiêm để tạo lòng tin cho khách hàng", ông Hùng phát biểu.
Theo lãnh đạo cảng hàng không, lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất liên tục tăng mạnh qua các năm (2014 đạt 22 triệu, 2015 dự kiến gần 26 triệu) khiến nơi này quá tải trầm trọng, đặc biệt là ga quốc nội.
Trong 3 sân bay Việt Nam được xếp hạng, Tân Sơn Nhất rơi vào nhóm 10 tệ nhất châu Á còn Nội Bài và Đà Nẵng vào nhóm 30 tốt nhất.
Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng không nên so sánh giữa Tân Sơn Nhất với Nội Bài và Đà Nẵng.
Hai sân bay trên được đầu tư xây mới, mở rộng nhiều công trình hiện đại, còn Tân Sơn Nhất được cải tạo từ sân bay cũ, không còn đất để mở rộng. Trong khi đó, lượng khách hàng năm tăng rất nhanh thì việc quá tải là không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, để được lên máy bay, khách phải trải qua nhiều trạm kiểm soát như an ninh, công an, hải quan, thủ tục… rất mất thời gian. Vì thế cần xem xét bỏ đi một vài bước, ví dụ có thể kết hợp 2 khâu soi chiếu hành lý của Hải quan với công an vào một chỗ để giảm bớt thời gian chờ đợi.
Còn đại diện Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) đề xuất, cần tăng cường số máy phục vụ việc làm thủ tục điện tử (web check-in, mobile check-in). Hành khách sau khi check-in tại máy đọc có thể vào thẳng khu vực soi chiếu an ninh, bớt thời gian chờ đợi, giảm tải cho sân bay cũng như bớt việc cho nhân viên.
"Ở sân bay Nội Bài, tất cả các đơn vị liên quan đều có bản cam kết nâng cao chất lượng phục vụ. Mặc dù Tân Sơn Nhất còn gặp nhiều khó khăn do quá tải nhưng cũng nên cố gắng làm như vậy để cải thiện tình hình", người này nêu ý kiến.
Đại diện các hãng hàng không Vietnam Airline, Jetstar Pacific nhận định, tình trạng như hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề nhân viên có những điều chưa đúng trong giao tiếp với khách là đáng ngại nhất.
Các hãng đề nghị lãnh đạo sân bay nên có bản cam kết thực hiện nghiêm túc phong trào "4 xin - 4 luôn" là xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ.
Còn theo lãnh đạo Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, nguyên nhân của tình trạng quá tải còn do các hãng hàng không tập trung vào khai thác một số “giờ vàng” khiến hành khách tập trung quá đông.
Từ 7h đến 9h, các hãng trang nhau khai thác dày đặc, nhất là thứ 2 và chủ nhật khiến khách ùn ứ ngồi chờ, nhân viên làm việc hết công suất vẫn không kịp.
Thế nhưng, đến đầu giờ chiều và tối thì quá ít, nhân viên thiếu việc, ngồi chơi. Do vậy các hãng cần xem lại lịch khai thác bay của mình cho hợp lý, giảm tải giờ cao điểm.
Đại diện Hải quan sân bay khẳng định, đơn vị này đã lắp hệ thống camera giám sát nhân viên Hải quan để tránh tình trạng vòi vĩnh. Bên cạnh đó, Hải quan còn dán số đường dây nóng nhiều khu vực để tiếp nhận thông tin phản ánh của khách khi có tiêu cực.
Các đơn vị trong sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ký bản cam kết thực hiện việc nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian sắp tới. Ảnh: Trường Nguyên. |
"Nếu nghe phản ánh cán bộ tiêu cực, mặc dù chưa có căn cứ, chúng tôi vẫn điều chuyển người đó, không cho làm việc ở bộ phận xuất nhập cảnh. Sau đó tiến hành làm rõ, kiên quyết giữ trong sạch, minh bạch trong lực lượng", đại diện Hải quan sân bay nói.
Bên cạnh đó, vị đại diện Hải quan đề xuất nên có bảng hướng dẫn chi tiết những việc thực hiện khi đến sân bay. Khi khách nhìn vào thì biết mình làm gì trước, làm gì sau với lực lượng nào để không mất thời gian.
Ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc cảng vụ hàng không miền Nam phát biểu, trên tinh thần cầu thị, cảng vụ và sân bay tiếp nhận những thông tin, ý kiến đóng góp để cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông yêu cầu các đơn vị hoạt động tại sân bay tăng cường nhân sự, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Các hãng hàng không phải tăng số máy check-in tự động phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn, an ninh. Phía sân bay sẽ có quy trình phục vụ chi tiết niêm yết tại nhiều khu vực để khách có thể nắm được lịch trình.
Cảng ghi nhận ý kiến hành khách về chất lượng dịch vụ của sân bay bằng nhiều kênh như thùng thư góp ý, đường dây nóng 24/24, trang web…
"Sắp tới, chúng tôi sẽ soạn bản cam kết để các đơn vị cùng ký với nhau thực hiện phong trào '4 xin - 4 luôn' tại sân bay với mục tiêu là làm sao đảm bảo tuyệt đối an toàn bay, khắc phục thiếu sót để sân bay thoát khỏi vị trí đội sổ", ông Mậu chia sẻ.