Chiều 20/10, Cảng vụ hàng không miền Nam và các đơn vị liên quan tổ chức họp báo về thông tin trang web The Guide to Sleeping in Airports đánh giá sân bay Tân Sơn Nhất là 1 trong 10 sân bay tệ nhất châu Á.
Ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, The Guide to Sleeping in Airports đánh giá sân bay Tân Sơn Nhất làm mất lòng khách hàng chủ yếu về các vấn đề: hạ tầng xuống cấp, nhân viên vòi vĩnh tiền, wifi chập chờn, nhà vệ sinh bẩn, không có lựa chọn nhà hàng ăn uống…
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị liệt vào danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2015. Ảnh: Trường Nguyên. |
Đặc biệt, trang này còn khuyến cáo hành khách khi đến Tân Sơn Nhất phải giữ kỹ tài sản giá trị, chỉ cầm trên tay một số tiền nhỏ...
Ông Tú cho rằng do sân bay quá đông, hàng nghìn người cùng truy cập thường xuyên khiến mạng wifi gặp sự cố là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, về vấn đề nhà vệ sinh bẩn và không có lựa chọn nhà hàng ăn uống, vị giám đốc cho rằng đánh giá chưa được khách quan. Chuyện cán bộ hải quan có hành vi vòi tiền thì lãnh đạo và camera giám sát chưa phát hiện nhân viên nào làm bậy.
Theo ông, nhân viên sân bay luôn cố gắng giữ gìn vệ sinh và các toilet luôn khá tốt. Việc nhà vệ sinh bị bẩn có thể nhất thời trong lúc cao điểm, nhân viên chưa kịp lau dọn chứ không phải thường xuyên.
Về lựa chọn nhà hàng, ông Tú khẳng định sân bay có nhiều quầy ăn uống chứ không chỉ một vài điểm như phản ánh của hành khách trên The Guide to Sleeping in Airports.
"Tân Sơn Nhất có một khu ẩm thực được bố trí ở tầng 3 gồm nhiều nhà hàng ăn uống với thực đơn phong phú. Có thể do chưa bố trí nhiều bảng chỉ dẫn nên hành khách không nắm được”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo sân bay thừa nhận những thiếu sót trên có thể xuất hiện vào một số thời điểm khiến hành khách không hài lòng.
Ngoài các vấn đề trên, ông cho biết thêm, sân bay hiện nay gặp một số khó khăn như bãi giữ xe thiếu chỗ trầm trọng và taxi hoạt động hỗn loạn.
“Bãi xe sân bay đã được cơi nới hết sức với hơn 4.000 chỗ nhưng vẫn không đủ, nhiều lúc quá tải phải từ chối xe của khách. Sắp tới bãi sẽ không nhận xe gửi qua đêm để giải quyết một phần tình hình và xây thêm khu mới”, giám đốc cảng hàng không Tân Sơn Nhất chia sẻ.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, ông Tú cho biết xuất phát từ việc sân bay bị quá tải trầm trọng, do lượng hành khách tăng trưởng quá nhanh, trong khi nơi này chưa được mở rộng, nâng cấp.
Vị lãnh đạo này dẫn chứng, năm 2014, sân bay đón hơn 22 triệu hành khách, năm 2015 dự kiến gần 26 triệu. Hai năm nữa thì sân bay có thể đạt ngưỡng "chịu đựng" đến 30 triệu hành khách.
Trong khi dự án nâng cấp sân bay giai đoạn 2020, mục tiêu 2030 mới chỉ đáp ứng 25 triệu và tăng diện tích thêm gần 8 ha thì không giải quyết được vấn đề.
Tình trạng taxi hoạt động ở sân bay còn lộn xộn. Ảnh: Trường Nguyên. |
“Tân Sơn Nhất phải chịu đựng cảnh quá tải này ít nhất phải 8 năm nữa cho đến khi có sân bay Long Thành. Trong thời gian này, Cảng vụ hàng không miền Nam, lãnh đạo sân bay và các hãng hàng không cùng nhau cố gắng, nâng cấp dịch vụ cho hành khách trong mức tốt nhất có thể”, giám đốc cảng hàng không Tân Sơn Nhất nói.
Ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam chia sẻ, với những thông tin từ The Guide to Sleeping in Airports đăng tải, phía Cảng cùng các đơn vị tiếp nhận trên tinh thần cầu thị, khắc phục những yếu kém tồn tại để nâng chất lượng dịch vụ.
“Tất cả mọi người đều phải cố gắng để năm sau Tân Sơn Nhất thoát khỏi danh sách những sân bay tệ nhất châu Á”, ông nói.
Việt Nam có 3 sân bay được đưa trang The Guide to Sleeping in Airports đưa vào đánh giá, xếp hạng hàng năm là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng. Các tiêu chí khảo sát, đánh giá gồm: chất lượng dịch vụ khách hàng, mức độ sạch sẽ, tiện nghi, sự thoải mái của hành khách.
Năm nay, Tân Sơn Nhất đứng thứ 4 trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á cùng Kathmandu Tribhuvan (Nepal), Tashkent (Uzberkistan), Kabul Hamid Karzai (Afghanistan), Islamabad Benazir Bhutto (Pakistan), Quảng Châu (Trung Quốc), Chennai (Ấn Độ), Manila (Philippines), Dhaka Shahjalal (Bangladesh), Colombo (Sri Lanka).
Trong khi đó, Nội Bài (hạng 28) và Đà Nẵng (hạng 23) trong top 30 sân bay tốt nhất châu Á.