“Nhắc đến thành tựu truyện ngắn đương đại mà không kể đến Trần Vũ thì sẽ là một thiếu sót lớn”, lời giới thiệu cho buổi tọa đàm “Gai sắc trong truyện Trần Vũ” viết. Tuy vậy, với văn đàn Việt hiện nay, Trần Vũ không phải một cái tên quen. Biên tập viên sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy kể trong khá nhiều lần trao đổi với các nhà văn trẻ, khi nói tới Trần Vũ, chị gặp những phản ứng trái ngược nhau. Một cây bút trẻ trầm trồ: “Ồ, Trần Vũ là thần tượng của tôi”, nhưng cũng có người viết lại ngơ ngác: “Trần Vũ là ai?”.
Sở dĩ có hai thái cực trái ngược như vậy bởi tác phẩm Trần Vũ chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Cuối tháng 2 vừa qua, Phép tính của một nho sĩ - tập truyện ngắn của Trần Vũ đầu tiên xuất bản trong nước bởi NXB Hội nhà văn và Nhã Nam.
Sau 5 tháng đến với bạn đọc, nhận được những ý kiến phản hồi khác nhau, một buổi tọa đàm về tác phẩm được tổ chức tối 6/8 tại Hà Nội với tên “Gai sắc trong truyện Trần Vũ”. Tại chương trình, TS Trần Ngọc Hiếu, TS Mai Anh Tuấn, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cùng phân tích những khía cạnh đặc sắc trong tác phẩm.
Lựa chọn tiếng mẹ đẻ và đối diện những chấn thương
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy kể khi còn là sinh viên, chị nhiều lần "bắt gặp" Trần Vũ trong những bài phê bình, nghiên cứu đâu đó. Ra trường, làm nghề biên tập sách, khi đọc bản thảo Đọc tôi bên bến lạ của Đoàn Cầm Thi có bài viết nhắc tới Trần Vũ, Diệu Thủy nghĩ đã đến lúc in Trần Vũ ở Việt Nam.
Tác giả Trần Vũ. |
Trần Vũ sinh năm 1962 tại Sài Gòn, trong một gia đình gốc Bắc. Năm 1979, Trần Vũ tới Pháp. Ông tốt nghiệp cao đẳng Tin học tại Lille, từ năm 1985 làm phân tích viên điện toán cho Quỹ Hưu trí Pháp, năm 1999 làm quản lý dự án tin học cho Liên hợp Quốc gia Bảo hiểm Pháp. Ông định cư ở Mỹ từ năm 2013.
Trần Vũ xuất hiện trên văn đàn viết ở nước ngoài khá sớm. Tập truyện đầu tay xuất bản năm 1988 khi ông 26 tuổi. “Đầu tay nhưng rất chắc tay. Giờ đây đọc lại, chưa dễ dàng ta có thể lý giải, tiếp cận được ngay”, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận xét. Phong độ ấy được Trần Vũ duy trì ở tập truyện thứ hai xuất bản năm 1993. Ông còn viết phê bình văn học, nghiên cứu quân sự.
Trần Vũ có trên 50 truyện ngắn, bút ký. Một số sách đã xuất bản của ông như: Mùa mưa gai sắc (Xuất bản tiếng Pháp với tên Sous Une Pluie d’Epines), Giấc mơ Thổ (xuất bản tại Anh với tên The Dragon Hunt) - sách từng được New Yorker xếp hạng là một trong 50 tác phẩm hay nhất năm ấy...
Phép tính của một nho sĩ là cuốn sách đầu tiên của Trần Vũ phát hành trong nước. Sách có 10 truyện, trong đó hai truyện viết trong giai đoạn những năm 2.000. Còn lại các truyện viết trong những năm 1980-1990.
Chúng ta hay xếp Trần Vũ vào đội ngũ nhà văn ở nước ngoài. Theo TS Trần Ngọc Hiếu đã đến lúc đặt Trần Vũ vào bản đồ văn học rộng lớn hơn bản đồ địa lý, đó là bản đồ người Việt viết văn.
Từ trái qua: TS Mai Anh Tuấn, BTV Diệu Thủy, TS Trần Ngọc Hiếu tại tọa đàm về truyện của Trần Vũ tối 6/8. Ảnh: NN |
Có nhiều người Việt, người gốc Việt đang viết văn ở khắp nơi trên thế giới và đạt được những thành tựu. Lê Minh Hà, Thuận... là những người sống ở nước ngoài và viết bằng tiếng Việt, họ thuộc cộng đồng viết xuyên quốc gia. Một số tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp đạt được thành tựu như Nguyễn Thanh Việt, Linda Lê, Nam Lê, Kim Thúy, Ocean Vương… Họ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng không có cảm giác phải gắn bó với tiếng mẹ đẻ. Còn Trần Vũ vẫn lựa chọn tiếng Việt.
TS Trần Ngọc Hiếu lý giải Trần Vũ viết tiếng Việt bởi đó là thứ ngôn ngữ chạm được vào những chấn thương cá nhân, những trải nghiệm lịch sử của tác giả.
Đi đến tận cùng cái ác, tính dục trong mỗi con người
Theo TS Trần Ngọc Hiếu, Trần Vũ có hệ ngôn ngữ thân thể sống động. Ông có khả năng miêu tả những trạng thái cơ thể sinh động. Nhà văn trong nước viết về tính dục, bạo hành cơ thể không thể sống động như Trần Vũ.
"Viết văn là thứ hành xác khắc nghiệt. Khi có những vết thương lòng, ta dễ có xu hướng lẩn tránh, nhưng khi viết văn, buộc ta phải đối diện với chính mình. Ở đây Trần Vũ chọn viết về bạo lực, đối diện với nỗi đau”, TS Trần Ngọc Hiếu nói.
Nếu dùng 3 từ để nói về truyện Trần Vũ thì đó là: Ngột ngạt, u ám, đặc quánh. Văn xuôi của Trần Vũ dồn vào những cảnh bạo dâm, bạo lực. Elfriede Jelinek - tác giả đoạt Nobel văn học 2004 - từng nói “Gõ vào ngôn ngữ để ngôn ngữ khạc ra sự thật”. Với Trần Vũ, ông để ngôn ngữ gợi ra chấn thương, gợi ra những gì u ẩn nhất.
Sách Phép tính của một nho sĩ. Ảnh: NN |
Theo TS Trần Ngọc Hiếu, thật thiếu sót khi bàn về truyện Trần Vũ mà không nhắc tới tính queer (tình cảm của người đồng tính, song tính, chuyển giới, những người có nhận dạng giới tính và quan điểm tình dục khác truyền thống).
Các mối quan hệ đồng tính thể hiện rõ trong những truyện như Gia phả (quan hệ giữa u Đào và Trần Thị), Cái chết sau quá khứ (nhân vật tôi có quan hệ đồng giới với không chỉ một người), Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu (nhật vật tôi rối loạn nhân cách, hai cái tôi trong một bản thể nhìn nhau, thèm khát nhau), Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam (những cái nhìn, giao hoan trong truyện đều lệch chuẩn). Nhắc tới đồng tính nữ, một vấn đề ít được nhắc tới trong lịch sử, tác giả đối diện với những riêng tư dễ bị dấu kín, vùi dập.
TS Mai Anh Tuấn cho rằng đặc sắc trong truyện Trần Vũ mà khó ai bắt chước, bì kịp đó là ngôn ngữ. Sự quái kiệt, ma mị trong sử dụng ngôn ngữ khiến Trần Vũ khác biệt.
Bạo lực, bạo dâm trở đi trở lại đậm nét, nhiều chiều trong các truyện ngắn Trần Vũ. Trần Vũ từng nói cuộc đời ông chỉ mang hai di vật trong đời: Viết và chiến tranh. Những trải nghiệm loạn lạc cho ông cái nhìn khái quát về tính bạo lực ẩn trong quá khứ, cái ác ẩn trong mỗi con người.
Cảm hứng lịch sử của Trần Vũ rất sắc sảo, với vốn hiểu biết sâu, ông không thua kém bất cứ nhà văn viết về lịch sử nào. Nhưng nếu chỉ nhìn tác phẩm ở khía cạnh lịch sử là chưa đủ. Điều làm nên đặc sắc của Trần Vũ là việc ông suy tưởng, chất vấn nhiều về bạo lực. Phải chăng từ ám ảnh của mình đã khiến ông đặt tay vào những vết thương, những mất mát, loạn lạc, biến cố tưởng chừng đã bị vùi lấp trong quá khứ.
Trần Vũ trở lại những nhân vật, chấn thương của quá khứ, tìm nó như nơi chốn để sáng tạo, đồng thời cắt nghĩa cho chính bản thân mình. Sự hấp dẫn, lôi cuốn trong tác phẩm ngoài kỹ thuật viết, còn là việc tác giả đặt chúng ta đến tận cùng bản tính ác, dâm trong mỗi con người, mà đôi khi những diễn ngôn đạo đức của chúng ta che khuất.