Dân Hà Nội có lẽ không ghiền cà phê nặng như dân Sài Gòn. Sài Gòn có thể nói gặp đâu cũng thấy người uống cà phê, còn Hà Nội, những quán cà phê hình như có sự lùi sâu vào một chút, thường là những nơi yên tĩnh, im ắng và kén khách hơn.
Nói như thế không phải Hà Nội có ít quán cà phê, nhiều là đằng khác, có những nơi gần như cả phố bán cà phê như Triệu Việt Vương, Hàng Hành, Phan Đình Phùng… Nơi thì phin cà phê tí tách dành cho người ưa chậm rãi, cầu kì. Khi là một ly cà phê pha sẵn, nóng hoặc đá theo mùa và có những quán cà phê danh tiếng bởi sở hữu một đặc điểm nào đó.
Sách Hà Nội quán xá phố phường. |
Một quán cà phê khá có tiếng được nhiều người biết là cà phê Nhân phố Hàng Hành. Đây là một trong những quán cà phê đầu tiên của Hà Nội được mở sau ngày Độc lập. Cà phê Nhân nhưng không có nghĩa người chủ quán tên Nhân. Nhân ở đây là nhân đức, nhân tâm, nhân nghĩa. Quán có lịch sử từ năm 1946, khởi đầu ở một địa điểm khác trước khi về Hàng Hành. Người sáng lập ra thương hiệu cà phê Nhân là ông Nguyễn Văn Thi, một chiến sĩ của đội biệt động Hoàng Diệu mà đội trưởng của đội biệt động này là nhân vật huyền thoại: Tạ Đình Đề.
Nhưng có lẽ chuyện về đội biệt động Hoàng Diệu của Tạ Đình Đề sẽ bàn vào một dịp khác, ở đây chỉ nói đến cà phê không thôi. Cà phê Nhân phố Hàng Hành không những nổi danh vì có hương vị riêng, không gian thoáng mà còn được cộng hưởng bởi gần như cả phố Hàng Hành là san sát những quán cà phê, nhà hàng, khách sạn.
Hai vị khách nổi tiếng của cà phê Nhân là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, đôi bạn này chơi với nhau từ lâu. Nguyễn Huy Thiệp thường xuyên ngồi ở cà phê Nhân, thậm chí muốn tìm ông, cách dễ nhất là cứ đến đây vào các buổi chiều. Nhà văn gọi một ấm trà và bên cạnh có một gói lạc luộc hoặc đôi củ khoai nhâm nhi suốt buổi. Và có lẽ bởi cái sự thân thiết với nơi này, Nguyễn Huy Thiệp viết hẳn một truyện ngắn Cà phê Hàng Hành và lấy làm tên một tập sách của ông.
Còn Nguyễn Bảo Sinh là một trong những ông già sành điệu nhất Hà Nội. Nguyễn Bảo Sinh là võ sĩ quyền anh, thầy pháp, nhà thơ, nghệ nhân nuôi chó và dĩ nhiên ông nổi tiếng nhất với những câu thơ được rất nhiều người thuộc:
“Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái thằng cha láng giềng...”
Hoặc:
“Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm…”
Nguyễn Bảo Sinh thường mặc quần kaki màu đỏ thẫm, sơ mi cổ cồn rất trang nhã ngồi nhâm nhi cùng ông bạn Nguyễn Huy Thiệp. Và nếu gặp bạn văn thân thiết, ông thường kể chuyện đánh quyền anh, chọi gà, nuôi chó… hoặc đọc những bài thơ rất “tinh quái” của mình.
Một quán cà phê nữa mà tôi thường nghé qua, cà phê ở nơi này không quá đặc sắc nhưng nằm ở vị trí đắc địa, đó là quán cà phê Ô Quan Chưởng ở phố Hàng Chiếu, đối diện với cái cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long.
Minh họa của họa sĩ Đặng Hồng Quân. |
Cà phê Ô Quan Chưởng chỉ là cái quán một tầng đơn giản. Ngay trước mặt quán là Ô Quan Chưởng nhộn nhịp, rất đông khách du lịch. Các anh chị Tây ba lô đi lại kìn kìn và nhiều anh chàng chọn nơi này để uống cà phê kiểu Việt hoặc bia lạnh. Mấy chàng Tây vừa uống bia vừa hồn nhiên trêu chọc người đi đường như thể chẳng cần giữ ý hay tỏ ra cao đạo làm gì. Những người đi đường thấy mấy anh Tây ngồ ngộ và cười, chẳng ai giận. Quán phục vụ đồ nhanh và rẻ, buổi trưa lúc nào cũng kín khách vì có thể ngồi trong quán gọi đồ ăn.
Ngồi ở đây có thể quan sát một người đàn ông tên Tạ Văn Nhân, người đã bảo vệ trông nom Ô Quan Chưởng mấy chục năm liền. Chốc chốc lại thấy ông Nhân chạy ra nhắc nhở, thậm chí là quát mắng những người đỗ xe không đúng chỗ hoặc xả rác. Tôi từng nhìn thấy ông Nhân cầm một cái chổi dài khua mấy cậu thanh niên nghịch ngợm. Nếu muốn quan sát cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của phố cổ Hà Nội cận kề, ngồi cà phê Ô Quan Chưởng là nơi rất thích hợp.
Trên phố Hàng Gai có một quán cà phê cũng được nhiều người ưa thích. Quán có tên “Cà phê phố cổ”. Muốn vào quán phải xuyên qua hành lang hẹp chỉ một người đi lọt. Cái hành lang hun hút treo rất nhiều đèn lồng gợi nhớ bộ phim lừng danh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu: Đèn lồng đỏ treo cao. Và tôi cho rằng, không gian của quán này rất có thể thuộc về một người gốc Hoa hoặc người Hoa từng ở đây. Có rất nhiều câu đối, đại tự chữ Hán treo trong nhà. Một cái giếng trời được tận dụng làm nơi để xe và đặt quầy bar. Một vài khóm trúc phơ phất, những cột gỗ sơn đen bóng và hình như rất nhiều gia đình trú ngụ trong không gian này.
Ở nơi này, mọi người thường thích lên tầng thượng để ngắm mặt Hồ Gươm. Không gian thoáng mát và có thể phóng tầm mắt nhìn xuống bờ hồ. Nhưng muốn lên được tầng thượng thì phải đi qua một chiếc cầu thang sắt xoắn trôn ốc hẹp. Nếu có người đi ngược chiều thì nhất định người còn lại phải nép sát hoặc quay xuống nhường đường. Đường đi lối lại trúc trắc nhưng quán rất đông khách, nhất là khách nước ngoài thì rất khoái nơi này.
Quán có nhiều đồ uống nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là món cà phê trứng. Cà phê trứng thì Hà Nội có nhiều và nơi này cũng không phải địa điểm khai sinh nhưng nó vẫn đặc sắc. Cà phê được đánh sánh đặc trong một chiếc chén to. Trứng, cà phê, sữa quyện lại với nhau thành một lớp kem màu ngà thơm lừng. Nhấm nháp một chút thấy ngòn ngọt, dinh dính, dư vị khá lạ lùng.
Cà phê trứng - đặc sản của Hà Nội. Ảnh: mozzie |
Mọi người thích lên tầng thượng của quán uống cà phê nhưng tôi cho rằng, thư giãn ở sảnh gác lửng mới là chỗ thú vị nhất. Ra tầng lửng phải đi qua một cây cầu sắt, gác lửng nằm giữa giếng trời mát mẻ, xung quanh nhà cao tầng che kín. Ngồi ở vị trí này vừa yên tĩnh, vừa có thể ngắm cảnh sinh hoạt của người Hà Nội như trong một bộ phim quay chậm. Và trong cái không gian yên bình, thư thái đó có thể nghe thấy tiếng chim lích rích. Phố xá đang nhích lại gần, rất gần như thể một tầm tay là vươn ra tới được.
Qua bốn mùa, cà phê đã trở thành cái thú của bao hồn mê nơi Kẻ Chợ. Ngồi quán ngắm phố như ngồi vũ đài ngắm đời qua vai, nhấp một ngụm đắng, chuyện với bạn hữu hoặc một mình, ngày nắng hay phố mưa, thu se hay đông rét, nhâm nhi như thưởng thức một đặc sản cuộc đời.