Năm 2011, cùng với cuộc cách mạng do các ông bầu khởi xướng dẫn đến sự ra đời của VPF, Ban trọng tài VFF cũng được thành lập để thay thế cho Hội đồng trọng tài quốc gia vốn mang rất nhiều tai tiếng.
Ra đòn “triệt hạ” để giành ghế?
Khi đó, với sức mạnh từ sự “liên thủ” của bầu Thắng, bầu Đức và bầu Kiên trong Hội đồng quản trị, VPF giành quyền chủ động tuyệt đối trong vai trò tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, nên việc thành lập ban trọng tài cũng khiến những nhân sự cũ của Hội đồng trọng tài quốc gia như Chủ tịch Nguyễn Văn Mùi bị vô hiệu hóa.
VPF chính thức không mời trọng tài Nguyễn Văn Kiên trong phần còn lại của mùa giải 2018, sau khi ông Kiên thổi penalty khiến HAGL mất chiến thắng trước CLB Khánh Hòa. Ảnh: Minh Chiến. |
Tuy nhiên, sau khi bầu Kiên vướng vòng lao lý năm 2012, mọi thứ đã xoay chiều. Chỉ gần 1 năm sau đó, khi mọi thứ đang khá suôn sẻ, thì 2 lãnh đạo của Ban trọng tài là ông Dương Vũ Lâm và ông Đoàn Phú Tấn bất ngờ bị đình chỉ chức vụ cùng tai tiếng trong nghi án “nhận tiền hối lộ” của các vị vua áo đen tại V.League 2013.
Nghi án sau đó đã được kết luận là không có bằng chứng, nhưng người mất chức là thật. Sự việc này khiến rất nhiều người nghĩ có sự tranh giành quyền lực nào đó trong giới trọng tài và khi tâm sự với báo giới thời điểm ấy, bản thân ông Đoàn Phú Tấn gọi đây là "lợi dụng tình huống để triệt hạ nhau” hay “nguy cơ phá hoại từ ngay trong nhà".
Không lâu sau nghi án kể trên, ông Nguyễn Văn Mùi, cựu chủ tịch hội đồng trọng tài quốc gia trở lại với chiếc ghế trưởng ban trọng tài VFF.
Bất chấp tất cả để giữ ghế
Bốn năm kể từ ngày ông Nguyễn Văn Mùi trở lại với ghế trưởng ban trọng tài, cũng là 4 năm sóng gió của giới cầm còi Việt Nam. Những sai lầm có hệ thống, những lời chỉ trích đến mức cay nghiệt, lòng tin của các đội bóng và người hâm mộ chạm đáy, nhưng ông Mùi vẫn yên vị với chiếc ghế của mình.
Năm 2016, trong trận đấu giữa CLB Quảng Ninh và CLB Sài Gòn tại vòng 9 V.League, trọng tài Nguyễn Trọng Thư, con trai trưởng ban Nguyễn Văn Mùi thổi "quả phạt đền tưởng tượng" mang về 3 điểm cho đội chủ nhà trong sự bức xúc của CLB Sài Gòn và người hâm mộ khi trận đấu chỉ còn 3 phút nữa là khép lại.
Rất may cho trọng tài này là cũng vòng đấu đó, người đồng nghiệp Hà Anh Chiến mắc sai lầm nghiêm trọng trong trận đấu SLNA gặp CLB Thanh Hóa để rồi phải trở thành “con tốt thí” với truyền thông, còn Nguyễn Trọng Thư vẫn bình an vô sự.
Sang đến mùa giải 2017, quý tử của ông trưởng ban lại trở thành tâm điểm trên sân Thống Nhất trong trận đấu giữa CLB Long An và đội TP.HCM, nhưng kịch bản cũ vẫn lặp lại khi chẳng ai có thể động vào “nhóm lợi ích”. Nhắc lại những câu chuyện cũ để thấy rằng, dường như đang có một “liên minh ma quỷ” trong giới trọng tài Việt Nam, và họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả để tồn tại.
Nói đến sự “bất chấp” hay “trơ lỳ”, thì đương kim trưởng ban Nguyễn Văn Mùi có lẽ đã tìm được người kế nhiệm xứng đáng khi Phó ban Dương Văn Hiền sau nhiều năm đồng hành dường như đã học được phẩm chất này từ cấp trên.
Ông Dương Văn Hiền chịu rất nhiều tai tiếng khi làm nhiệm vụ. |
Những phát ngôn và hành động của vị này sau đề xuất của công ty VPF về công tác trọng tài cho thấy rằng ông sẽ là người kế nhiệm xứng đáng, nếu bóng đá Việt Nam vẫn còn cần một trưởng ban trọng tài có độ “lỳ” giống như ông Mùi.
Còn về phía VPF, sử dụng quyền của đơn vị tổ chức giải và cũng là đơn vị bỏ tiền ra chi trả cho công tác trọng tài, nhưng chắc chắn bầu Tú đang ở vào thế “chống lại mafia” khi động vào “nhóm lợi ích” vốn đã độc quyền ở bóng đá Việt Nam nhiều năm qua.
Khó khăn, nhưng chắc chắn đây là điều cần làm và lẽ ra phải làm từ lâu vì nếu cứ để những "quyền lực đen” tồn tại, bóng đá Việt Nam sẽ còn thêm nhiều lần nữa phải chứng kiến những bi kịch mang tên “trọng tài”.