Chiếc xe buýt khởi hành từ Beirut đến Raqqa. Ảnh: CNN |
Con đường hầm tối tăm và ẩm ướt dẫn đến trạm xe buýt Charles Helou ở Beirut, Lebanon, nơi những chuyến xe sẽ đưa hành khách đến Raqqa, Syria. Trạm này đã hoạt động nhiều năm, nhưng từ khi Raqqa bị chiếm đóng và trở thành thành trì của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), những chuyến xe phải đi qua vùng biên giới nguy hiểm nhất thế giới.
Hành trình kéo dài 24 giờ, khởi hành từ Beirut, qua biên giới đến thủ đô Damascus của Syria, nơi đang bị phiến quân chiếm đóng, tiếp tục qua Palmyra và di chuyển theo hướng bắc về phía Raqqa. Theo phóng viên CNN, 9 hành khách mà họ gặp trên xe đều lo sợ rằng IS có thể bắt họ ở Raqqa. Nỗi sợ hãi bao trùm cả chuyến đi.
Những điếu thuốc lá cuối cùng được hút sạch, không phải vì hành khách sợ rằng họ không thể sống sót sau chuyến đi, mà bởi nhóm khủng bố ra lệnh cấm hút thuốc. Chúng còn cấm cả âm nhạc và nhiều điều bình thường khác trong cuộc sống. Nếu vi phạm, phiến quân sẽ dùng vũ lực, thậm chí chặt đầu để răn đe.
Phiến quân IS phô trương lực lượng trên đường phố Syria. Ảnh: Reuters |
Để xoá mùi, những người hút thuốc thường nhúng ngón tay vào nước hoa và vứt thuốc lá. Nhạc, hình ảnh hay số điện thoại của những người bạn sống gần Syria đều được xoá sạch khỏi điện thoại di động.
"Người phụ nữ nào không mặc trang phục phù hợp sẽ được đưa đến nơi huấn luyện. Tất nhiên, cô cần một người thân là nam giới hộ tống. Đàn ông cần phải cạo những bộ râu dài. Quần không nên mặc quá chặt và có độ dài nhất định tính từ giày", người quản lý xe giải thích các quy tắc cho chuyến đi.
Những chiếc xe quay lại luôn vắng khách bởi IS hiếm khi để họ đi. Trên chuyến đi này, một nhóm hành khách chấp nhận đến Raqqa vì đang mang theo thi thể của người thân từ Lebanon và muốn chôn cất tại quê nhà.
Trên đường đi, máy bay có thể áp sát và có lúc xe buýt bị trúng đạn. Nhưng phần lớn lái xe vẫn tiếp tục hành trình.
"Một chiếc máy bay có thể thả bom từ khoảng cách nhất định. Chuyện đó rất bình thường. Không ai thực sự có thể xác định chúng đến từ đâu. Đó là lúc hành khách cảm thấy sợ hãi", người quản lý nói.
Bản đồ các thành phố trên tuyến đường đến Raqqa. Đồ họa: CNN |
Tuy nhiên, dường như người dân vẫn có thể rời Raqqa bằng xe buýt. Một người dân kể với CNN rằng người ốm đôi khi được phép rời Raqqa trong vòng 15 ngày để chữa bệnh. Nếu quay lại quá thời gian này, tài sản và nhà của họ sẽ bị IS tịch thu. Một người phụ nữ khác cho biết con gái bà ở Raqqa và cũng tìm cách thoát ra ngoài. Cô gái khẳng định đã lên chuyến xe đến vùng Vịnh và đang trên đường về nhà.
Ngay trên quê hương mình, một người đàn ông cho biết con cái ông thậm chí không dám ra khỏi nhà vào ban ngày để đi học suốt 4 năm qua.
"Trước khi IS nắm quyền kiểm soát, Raqqa từng là thiên đường của tôi. Cuộc chiến chống lại chúng, sự nghèo khổ mà chiến tranh gây ra và thậm chí rác thải trên đường phố đã biến nơi này thành địa ngục", ông nói.