Nhiều tòa nhà ở thành phố Kobani bị đánh sập sau các cuộc không kích nhằm tiêu diệt phiến quân. Ảnh: CNN |
Phóng viên CNN Ben Wedeman cùng các đồng nghiệp thực hiện bài viết này khi tác nghiệp tại những khu vực thuộc Syria hiện bị IS chiếm đóng. Anh kể một câu chuyện về đất nước Syria giữa cuộc chiến tranh tàn khốc.
Trong 6 ngày 5 đêm ở khu vực đông bắc Syria, chúng tôi không hề nhìn thấy bom rơi hay nghe tiếng súng nổ. Áo khoác chống đạn và mũ bảo hộ vẫn còn nằm yên trong túi.
Chúng tôi đi cùng hai tài tài xế Fahd và Mustafa. Tài xế Fahd nói không ngừng nghỉ và phấn khích với câu chuyện về những nhà lãnh đạo độc tài Arab mà tôi đã gặp. Cậu ấy cười khi tôi kể lần duy nhất nhìn thấy Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong buổi họp báo năm 2000 tại Cairo với Tổng thống Hosni Mubarak, ông ta trông có vẻ lúng túng và không thoải mái.
Fahd đặc biệt thích nghe tôi kể lại lần gặp Saddam Hussein và phỏng vấn con trai cả Udai của ông, người từng khiến tôi sợ đến dựng tóc gáy vì đôi mắt lạnh lùng như muốn nói "tôi có thể giết cậu dễ dàng như giết chết một con ruồi".
Cả Fahd và Mustafa đều lái xe một cách bất cần và liều lĩnh. Nhưng qua nhiều chặng đi trong đêm, gặp ổ gà hay đường xấu, chúng tôi vẫn sống sót mà không bị thương.
Ngày đầu tiên ở thành phố Al-Hassakeh, chúng tôi gặp Lewand Rojava, chỉ huy Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd. Người đàn ông 35 tuổi, trước đây từng buôn bán vật liệu xây dựng, đang chỉ huy lực lượng quan trọng trong liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Chúng tôi nhận được đạn súng Kalashnikov, đạn súng máy hạng nặng và súng cối nhưng chưa nhận được bất kỳ loại vũ khí nào", Rojava cho hay. Dù không đi vào chi tiết, anh nói với tôi rằng YPG đang hợp tác chặt chẽ với liên quân.
Lewand Rojava, chỉ huy Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd. Ảnh: CNN |
Nhóm khủng bố quan liêu
Đi khoảng một giờ lái xe về phía nam của Al-Hassakeh là đến thị trấn Al-Houl, nơi mới được lực lượng người Kurd chiếm lại từ tay phiến quân. Chúng tôi đi qua cái gọi là "đồn cảnh sát" của IS, một nơi hoang vắng với chiếc ghế bọc nằm trơ trọi bên ngoài.
Cạnh đó là tòa án, nơi từng là một trường học. Chúng tôi được nhắc rằng IS không chỉ là tổ chức cuồng tín, mà còn là một bộ máy rất quan liêu. Nơi này có các tờ thông báo, yêu cầu người dân bàn giao cho chúng bất cứ thứ gì cướp được ở thành phố Mosul của Iraq và nơi khác, hoặc số lượng lúa mì và lúa mạch mà nông dân phải nộp thuế.
Dọc đường phố là một bùng binh dựng từ những thanh sắt rỉ, nơi những ai bước ra ngoài ranh giới sẽ bị trói và đánh đập. Từ Al-Houl, chúng tôi đi thêm một vài km về phía nam, đến một địa điểm ngoài tiền tuyến. Nơi này nằm trên một đỉnh đồi có tầm nhìn rộng mênh mông, được các thành viên của đơn vị chiến binh nữ người Kurd canh giữ.
Tôi sống ở Trung Đông gần 4 thập kỷ và luôn nghĩ rằng nơi đây là thế giới của đàn ông, nhưng chuyến đi này khiến tôi phải suy nghĩ lại.
Telhelden, 21 tuổi, là chỉ huy của đơn vị chiến binh nữ phần lớn ở độ tuổi đôi mươi. Trong ngôn ngữ của người Kurd, tên của cô có nghĩa là "trả thù".
"Họ tin rằng nếu tên khủng bố nào bị một cô gái người Kurd giết chết, chúng sẽ không được lên thiên đường", Telhelden cho biết.
Khi tôi hỏi giả sử IS tiếp cận vị trí của họ, cô gái Efelin, 20 tuổi, quả quyết đáp: "Nếu chúng làm vậy, chúng tôi sẽ không để tên nào sống sót".
Syria - mảnh đất yên bình một thời
Đối với tôi, Syria không chỉ là điểm đến tạm thời trong cuộc đời của một phóng viên. Cha mẹ tôi từng sống ở thành phố Damascus từ năm 1978 đến năm 1981. Dù học trong trường nội trú ở Morocco và sau đó đến Mỹ, tôi vẫn thường xuyên đến đây và còn từng làm việc cho một công ty thăm dò dầu mỏ của Pháp ở gần thị trấn Al-Raqqa, giờ được coi là thành trì của IS tại Syria.
Raqqa là một thành phố lớn. Tôi và các đồng nghiệp đã cùng nhau uống bia và xem các vũ công múa bụng biểu diễn vào buổi tối, khi đây được coi là hình thức giải trí đơn thuần ở Raqqa, không phải thứ vi phạm tôn giáo và phải xử lý bằng đòn roi như bây giờ.
Công việc yêu cầu tôi phải đi lại thường xuyên quanh sa mạc ở Raqqa và thành phố cổ Palmyra (hay còn gọi là Tadmor), nay cũng nằm trong tay tổ chức Hồi giáo. Nhóm tiền trạm của tôi gồm 5 người, trong đó có 4 người Syria. Hy vọng giờ họ vẫn còn sống.
Trong giai đoạn 1989-1993, tôi làm việc cho một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế ở Aleppo. Hai vợ chồng tôi cùng con gái từng sống trong một thành phố cổ kính, xinh đẹp và hiền hòa. Nhưng giờ đây, nơi này đã biến thành một vùng đất hoang, một nghĩa địa.
Một trường học bị biến thành nơi xử án của IS. Ảnh: CNN |
Hy sinh Kobani
Chúng tôi đến Kobani - chiến trường khốc liệt từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 1 năm nay. Với kho đạn dược và vũ khí tiên tiến bị quân đội Iraq ở Mosul bỏ lại hồi tháng 6 năm ngoái, IS đã chiếm hàng chục ngôi làng của người Kurd và tấn công thành phố này.
Súng trường AK-47 và tên lửa phóng lựu của người Kurd không thể đối đầu với những thứ mà phiến quân nắm trong tay như xe tăng và thiết vận xa do Mỹ chế tạo. Thay vì chặn chúng ở đồng bằng và các ngôi làng nhỏ ở đông bắc Syria, lực lượng người Kurd dụ IS vào Kobani, tận dụng lợi thế quen thuộc địa hình để tiêu diệt kẻ địch.
Kế hoạch thành công, nhưng họ phải hy sinh Kobani. Hơn 70% các tòa nhà trong thành phố bị phá hủy hoặc hư hại. Chúng biến thành đống đổ nát, hoặc không thể sửa chữa như tòa nhà ba tầng của Mustafa Ismail.
"Tôi đã làm việc 30 năm để xây ngôi nhà này, và giờ nó bị phá hủy chỉ trong vài giây. Chúng tôi có thể làm gì đây", Mustafa Ismail nói. Người đàn ông đứng bên những đứa con, hút thuốc, lặng lẽ quan sát chiếc xe ủi dọn dẹp các khối bê tông và vôi vữa mà cách đây không lâu, từng là nhà của họ.
Mustafa Ismail đưa tôi đến nơi ông tự hào gọi là "thành phố Kobani mới", một công trình xây dựng bị bỏ hoang. Ông lạc quan nói rằng: "Hy vọng sau báo cáo của anh, Mỹ và các nước khác sẽ giúp chúng tôi không chỉ tiêu diệt IS mà còn xây dựng lại Kobani".
Người Syria hy vọng IS bị tiêu diệt và cuộc sống của họ sớm ổn định trở lại. Ảnh: CNN |
Thành phố hòa thuận
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là Al-Qamishli, ở phía đông Kobani. Thành phố chịu sự kiểm soát của cả chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad, YPG và lực lượng Cơ đốc giáo. Thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra tại đây.
Al-Qamishli gợi nhắc đến một Syria mà tôi từng sống. Người dân ở đây đều thoải mái, thân thiện và dường như sống hòa thuận với nhau. Mối quan tâm chính của họ hiện nay là chi phí sinh hoạt vì Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới, chi phí vận chuyển thực phẩm từ Aleppo hay các nơi khác đều tăng từ khi IS đánh thuế.
Tôi giải thích với họ rằng chúng tôi đang thực hiện một báo cáo về Al-Qamishli.
"Anh nên đến Dair Al-Zour", một trong hai người đàn ông quan sát chúng tôi nói. Thành phố này ở phía nam, giờ đây chịu sự kìm kẹp của nhóm cực đoan.
"Nếu tôi làm vậy, tôi sẽ mất đầu đấy", tôi đáp lại.
"Chúng tôi vừa trở về từ đó đây", họ nói.
"Từ IS ư ?", tôi hỏi.
"Không, chúng tôi thuộc quân đội Syria", anh trả lời. Họ được bay bằng trực thăng đến Al-Qamishli trong 10 ngày nghỉ phép và giờ đây đang tận hưởng cảm giác bình yên ở một nơi an toàn.
Ngày hôm sau, chúng tôi cùng Mustafa và Fahd lên đường, tiến về biên giới Iraq-Syria. Họ hôn lên má chúng tôi để chào tạm biệt.
"Sớm quay lại nhé", Fahd nói.
Tạm biệt, Syria.
|