Sách Một hoạ sĩ phù thế. Ảnh: Hiểu Yên. |
Kazuo Ishiguro được biết đến nhiều nhất với cuốn Tàn ngày để lại, tác phẩm đoạt giải Booker 1989 và cuốn Mãi đừng xa tôi - một cuốn sách đầy xúc động và được giảng dạy rộng rãi trong các trường học. Nhưng cuốn sách đặc trưng cho sự tinh tế trong miêu tả nỗi u hoài của chủ nhân Nobel văn chương 2017 lại chính là Một họa sĩ phù thế.
Phản ánh cảm xúc cá nhân Ishiguro về di sản của Nhật Bản
Tác phẩm là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Kazuo Ishiguro, được thuật lại dưới lời kể của Masuji Ono - một nghệ sĩ đã rút lui khỏi giới nghệ thuật, từ bỏ dòng tranh phù thế (ukiyo-e) để phục vụ cho đế quốc. Ký ức của người kể chuyện đan xen trong tác phẩm, cho phép độc giả suy ngẫm về những gì ông Ono đã trải qua, từ đó đánh giá câu chuyện một cách khách quan nhất.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của tạp chí Paris Review, Ishiguro đã hé lộ lý do viết cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình rằng: “Có một chi tiết phụ trong cuốn Cảnh đồi mờ xám, kể về một ông giáo già hồi tưởng những giá trị mà ông đã dựng nên trong cuộc đời. Tôi tự nhủ, mình cũng muốn viết một cuốn sách đặc tả kiểu nhân vật như vậy”.
Cuốn tiểu thuyết là tấm gương phản ánh những cảm xúc cá nhân Ishiguro về di sản của Nhật Bản - dòng tranh phù thế, hay nói cách khác, ông đã tái tạo một nước Nhật tưởng tượng hiện đại hơn.
Mở đầu là những lời giới thiệu của ông Ono về cầu Dùng Dằng - cây cầu mà ông phải đi qua khi từ thành phố về nhà, “nếu một ngày nắng đẹp, bạn bước trên con đường dốc nối với chiếc cầu gỗ nho nhỏ mà ở đây người ta vẫn gọi là cầu Dùng Dằng...”.
Đây được xem là điềm báo của sự do dự đối với các vấn đề trong cuộc sống của ông: nghệ thuật, gia đình, thời thế. Cây cầu tượng trưng cho nơi mà nó dẫn đến trước chiến tranh cũng chính là khu vui chơi mà ông có mối liên kết đặc biệt, kết nối ông với những năm tháng nghệ sĩ tài hoa nở rộ.
Chiến tranh thế giới lần II đã kết thúc được ba năm, cuộc sống con người Nhật Bản dần trở lại nhịp độ bình thường. Những thiệt hại mà chiến tranh gây ra đã lùi dần vào dĩ vãng. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nói rằng những sự kiện trước và sau chiến tranh bị lãng quên, chúng như bóng đen đeo bám người nghệ sĩ già. Ishiguro đi sâu vào những ảo tưởng của chúng ta về chính bản thân.
Thế giới tinh thần của người nghệ sĩ già bị lung lay, để lại những câu hỏi: tại sao con gái thứ hai của ông không thể có một cuộc hôn nhân như ý, tại sao những người học trò thân thiết nhất với ông lại xa lánh ông, tại sao ông lại từ bỏ vẽ tranh và giấu biệt những tác phẩm của mình? Những bí ẩn ấy sẽ từ từ được giải đáp qua lời kể của người nghệ sĩ già.
Nhà văn Kazuo Ishiguro. Ảnh: Reuters. |
Khắc họa tâm lý của một người ở tuổi xế chiều
Cuốn sách mang đến dư vị cay đắng của sự khác biệt thế hệ. Ông ngậm ngùi nhận ra danh tiếng lừng lẫy một thời của mình đã không còn.
Mâu thuẫn chủ yếu đến từ việc Ono cần phải nhận trách nhiệm về những hành động trong quá khứ khi ông đã góp sức vẽ tranh cổ động cho chủ nghĩa phát xít. Trong thời hậu chiến, ông tha thiết quét sạch mọi tàn dư của sai lầm trong quá khứ bằng việc quan tâm đến chuyện hôn nhân của người con gái út Noriko. Thế nhưng, cô con gái vẫn luôn cho rằng việc vẽ tranh cổ động của ông là một quá khứ tồi tệ đã kìm nén cơ hội có một cuộc hôn nhân tốt đẹp của cô.
Nhật Bản những năm 1940 là sự phân chia xã hội khi một bên chấp nhận những giá trị hiện đại còn một bên mong muốn khôi phục những lề lối xưa cũ.
Ono là đại diện cho các giá trị truyền thống của Nhật Bản trước chiến tranh trong khi Ichiro, cháu trai của ông lại mang nét tiêu biểu của Nhật thời hậu chiến và thế hệ người trẻ mới. Sự căng thẳng về mặt văn hóa được thể hiện qua nhiều phân cảnh đối thoại giữa Ichiro và Ono, như khi họ xem phim Godzilla và chuyện hâm mộ những anh chàng cao bồi cũng như sự thờ ơ của Ichiro trước các samurai - biểu tượng anh hùng của người Nhật.
Hình ảnh cao bồi trong suy nghĩ của Ono là tượng trưng cho lý tưởng mở rộng của Mỹ, mang nét tương đồng với lý tưởng của Nhật thời chiến, do đó, Ichiro dành niềm yêu thích cho những chàng cao bồi hơn là các samurai vô tình gây khó chịu cho Ono, đồng thời là một sự mỉa mai nhắc nhở ông về thất bại của Nhật đối với chủ nghĩa đế quốc.
Một họa sĩ phù thế được xuất bản lần đầu vào năm 1986 và ngay sau đó đã được vinh danh là cuốn sách của năm tại giải thưởng văn học Whitbread, lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker cùng năm.
Cuốn sách kết thúc với việc người kể chuyện bày tỏ niềm ngưỡng mộ đối với những người lao động trẻ tuổi đang ăn trưa trên đường phố. Thành phố nơi ông sinh sống đang chuyển mình từng ngày, quá khứ đã lùi xa, ai rồi cũng sẽ có cơ hội làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Người nghệ sĩ già cũng vậy.