Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm trí của chúng ta bị xâm nhập như thế nào

Mỗi một nguồn thông tin đều sẽ bị một số lượng người nào đó coi là nguy hiểm bởi họ cho rằng chúng đang tác động lên một bên thứ ba tưởng tượng nào đó.

tam ly hoc anh 1

Ảnh minh họa

Một lượng lớn trong vô số những thông điệp mà bạn gặp hàng ngày có thể bị coi là nguy hiểm bởi chúng có khả năng thay đổi ý kiến hoặc xâm nhập vào tâm trí của người khác và dần ảnh hưởng tới hành vi của họ. Chúng có thể tới từ đủ mọi nguồn, từ những trò chơi điện tử bạo lực cho tới các chương trình thảo luận.

Mỗi một nguồn thông tin đều sẽ bị một số lượng người nào đó coi là nguy hiểm, không phải bởi vì chúng tác động lên họ, mà bởi chúng có thể ảnh hưởng lên suy nghĩ và quan điểm của một bên thứ ba tưởng tượng nào đó. Cảm giác này được gọi là hiệu ứng người thứ ba (Third person effect).

Sống trong thời hiện đại, bạn luôn bị tấn công bởi hàng loạt thông điệp truyền thông mỗi ngày, nhưng lại luôn nghĩ rằng mình ít bị ảnh hưởng hơn so với những người khác. Bạn cho rằng bằng cách nào đó bạn đã miễn dịch trước những thông điệp này, bởi vậy không có gì đáng lo cả. Nhưng bạn lại không thể tin tưởng sức đề kháng của những người xung quanh, và bởi vậy, bạn tin rằng có một số nguồn thông tin cần phải được kiểm soát. Thậm chí có thể bạn còn nghĩ rằng một số thông điệp cần phải bị kiểm duyệt cắt bỏ, không phải vì lợi ích của bạn, mà là để chúng không gây ảnh hưởng lên người khác.

Vậy ai là "những người khác"? Định nghĩa này sẽ thay đổi tùy vào tình huống cụ thể. Đó có thể là trẻ em, học sinh trung học, sinh viên đại học. Đó có thể là những người theo phe dân chủ hoặc bảo thủ. Đó có thể là những người già, người có thu nhập trung bình, những kẻ siêu giàu. Bất kỳ nhóm người dễ bị tác động bởi thông điệp mà bạn đang phản đối.

Hàng loạt nghiên cứu từ những ngày đầu của bộ môn tâm lý học cho đến nay đã hé lộ ra nhiều cách mà những lời thuyết phục ẩn thực sự tác động lên con người. Mọi thứ bạn được nghe hoặc thấy đều có tác động lên hành vi và suy nghĩ của bạn theo cách nào đó. Tuy nhiên, bạn lại chỉ công nhận sự tồn tại của tác động này với người khác chứ không phải bản thân.

Bạn không muốn tin rằng mình dễ bị thuyết phục, và một cách để giữ vững niềm tin này là cho rằng những lời thuyết phục đó đều nhắm tới những đối tượng khác chứ không phải bạn. Nếu không thì làm sao mà chúng có thể có hiệu quả cơ chứ? Bạn nghĩ rằng mấy mẩu quảng cáo bánh burger phô mai là dành cho lũ béo phì không có khả năng tự kiềm chế, cho tới khi bản thân bạn đói cồn ruột và phải lựa chọn giữa hai nhà hàng đều là đồ ăn nhanh.

Hiệu ứng người thứ ba là một phiên bản khác của thiên kiến tự đề cao. Bạn tự bào chữa cho thất bại của mình, tự thấy mình là một con người thành công hơn, thông minh hơn và khéo léo hơn thực tế. Khi mà hiệu ứng thứ ba khiến bạn coi thông tin nào đó là an toàn, hãy thử lùi lại một bước và nghĩ về các thông điệp mà những người xung quanh cho là đang tẩy não bạn và tự hỏi xem bạn có muốn những thứ đó cũng bị kiểm duyệt, cắt bỏ không.

David McRaney/READ Books & NXB Thế giới

SÁCH HAY