Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tâm sự của một F0 chiến thắng dịch bệnh tại nhà

Giữ tinh thần lạc quan, đọc sách để kết nối với thế giới, thường xuyên trao đổi thông tin tích cực với mọi người là bí quyết để Nam Kha chiến thắng Covid-19.

Ngày 18/8, nhà báo, nhà văn trẻ Nam Kha nhận được kết quả dương tính với SAR-CoV-2. Kha là thành viên thứ ba trong gia đình nhận được tin nhiễm virus này.

Bố mẹ đều nhập viện, Nam Kha có dấu hiệu bị nhẹ hơn nên được khuyên tự điều trị tại nhà. Trong những ngày chiến đấu với Covid-19, cây bút trẻ tập trung chăm sóc sức khỏe và tinh thần.

Nhờ tìm đến thế giới sách vở, lên ý tưởng cho bản thảo sắp tới, Nam Kha có được niềm vui, sự lạc quan để chống chọi virus.

F0 chien thang Covid-19 anh 1

Nhà văn, nhà báo Nam Kha. Ảnh: NVCC.

Trải nghiệm tích cực tại nhà

- Ngay sau khi nhận được kết quả dương tính với nCoV, Nam Kha đã làm gì để trấn tĩnh bản thân?

- Điều đầu tiên tôi làm là không đi tìm nguồn lây để rồi suy diễn lung tung. Trách móc người này, hờn giận người kia chỉ khiến tinh thần khủng hoảng hơn. Thay vào đó, tôi tập trung tìm thông tin có ích để tự lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tôi tìm đọc các bài tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh để biết chỉ số CT thế nào là an toàn, cách tự chăm sóc cho F0 tại nhà hiệu quả.

Bên cạnh đó, tôi giữ liên lạc với trung tâm y tế địa phương, để họ nắm thông tin và hướng dẫn thuốc men cũng như hỗ trợ tôi trong việc mua thức ăn hàng ngày.

- Những ngày chống chọi virus ở nhà, Kha gặp khó khăn gì? Thời gian biểu của bạn những ngày đó ra sao?

- Điều khó khăn nhất trong những ngày chống chọi virus ở nhà là “người bệnh” phải chăm “người khỏe”. Em trai tôi học lớp 8, âm tính với Covid-19 nên ở trên lầu. Tôi ở dưới tầng 1 để nấu ăn, giặt đồ, quét dọn nhà cửa…

Tôi luôn phải cẩn thận trong khâu khử khuẩn vật dụng bằng nước sôi. Mọi công việc ở cơ quan, tôi phải tạm gác lại. Nhưng thay vào đó, tôi có thời gian đọc sách nhiều hơn.

Hồi trước, mẹ tôi hay thắc mắc mua quá nhiều sách, biết bao giờ mới đọc hết được. Bây giờ thì tôi có thoải mái thời gian. Trung bình mỗi ngày, tôi đọc khoảng 100 trang. Tốc độ và số lượng sách cũng tăng lên. Chắc khi hết dịch sẽ phải mua thêm sách mới (cười).

- Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, bạn làm gì để hướng tới suy nghĩ và hành động tích cực?

- Do đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tôi chỉ bị một số triệu chứng nhẹ, chỉ cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nên không gây cản trở gì nhiều đến việc viết lách, đọc sách.

Tôi luôn liên lạc, kết nối với mọi người xung quanh và truyền năng lượng tích cực đến họ. Tôi thường nhắn tin, gọi điện trò chuyện với người thân, bạn bè. Tôi nghĩ việc an ủi, động viên tinh thần nhau là điều quan trọng để mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, cách tốt nhất để tìm niềm vui với tôi đó là đọc sách. Khi đọc sách, bạn được trò chuyện với nhiều người (tác giả, nhân vật) ở khắp nơi, rút ra nhiều thông điệp hay, bài học bổ ích để tự làm giàu tâm hồn và tri thức.

Một khi đã có tinh thần khỏe mạnh, trí tuệ tinh thông thì gặp khó khăn gì bạn cũng sẽ không nao núng, sớm tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

F0 chien thang Covid-19 anh 2

Một số cuốn sách truyền năng lượng tích cực cho Nam Kha trong thời gian tự điều trị Covid-19 tại nhà. Ảnh: NVCC.

Tăng cường đọc sách, tích cực lên ý tưởng

- Nam Kha có thể chia sẻ thêm về những cuốn sách giúp nâng đỡ tinh thần trong thời điểm tự điều trị Covid-19 tại nhà?

- Tôi đọc khá nhiều, chẳng hạn Nghệ thuật kiêng khem tin tức (Rolf Dobelli). Cuốn này đưa ra nhiều dẫn chứng, lập luận vì sao chúng ta không nên đọc tràn lan tin tức mà thay vào đó, chỉ nên tập trung đọc những bài viết có thông tin mang tính chất nền tảng, sẽ hữu ích hơn.

Tôi đã áp dụng gợi ý của tác giả vào việc đọc tin tức Covid-19 hàng ngày để loại bỏ tin giả, tránh đọc những bài “hù dọa” tinh thần. Tôi chỉ quan tâm những bài viết hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, bài tập cải thiện việc hít thở, hay những bài viết theo hướng tích cực.

Cuốn tiếp theo tôi đọc là Sống vốn đơn thuần (Phong Tử Khải). Những câu chuyện triết lý đời sống được viết dưới dạng tản văn, miêu tả cuộc sống thường ngày một cách tinh tế, tình cảm, thể hiện góc nhìn và tấm lòng thơ trẻ trong thế giới của người trưởng thành. Cuốn sách này giúp tôi giải tỏa tâm lý trong những ngày khó khăn khi biết mình là F0.

Sách cũng đưa tôi đi du lịch vòng quanh thế giới. Nhờ mở rộng tâm trí, tôi không để những suy nghĩ tiêu cực, u ám 'bám' vào mình.

Nhà văn Nam Kha

Tôi ấn tượng với một câu nói trong sách: “Việc trên đời, chỉ cần vẫn còn cơ hội sống thì dù liên tiếp gặp thiên tai nhân họa, tạm thời bị ức chế, sớm muộn cũng sẽ có ngày ngẩng cao đầu”.

Tôi cũng đọc cuốn Một đời thương thuyết của GS Phan Văn Trường. Do phải “làm bạn với bốn bức tường”, tôi “thèm” được giao tiếp. Cuốn này là lựa chọn phù hợp.

Những bài học trong sách đều là câu chuyện thương thuyết thực tế của tác giả suốt những năm bôn ba trong và ngoài nước. Điều đó kích thích tôi phải suy nghĩ để tự rút ra bài học cho bản thân.

Ngoài ra, sách cũng đưa tôi đi du lịch vòng quanh thế giới. Nhờ mở rộng tâm trí, tôi không để những suy nghĩ tiêu cực, u ám "bám" vào mình.

- Được biết, Nam Kha đang ấp ủ dự định viết một cuốn sách lan tỏa tinh thần cho những F0 từ chính trải nghiệm cá nhân. Đến nay, ý tưởng đó đã được triển khai như thế nào?

- Tôi đang viết bản thảo mỗi ngày. Không chỉ có câu chuyện của bản thân, tôi cũng bổ sung những câu chuyện tích cực của các F0 khác mà mình quen biết.

Hy vọng sau khi cuốn sách ra đời sẽ truyền năng lượng cho mọi người. Tôi muốn cộng đồng F0 luôn có suy nghĩ tích cực để khi hòa nhập với cuộc sống “bình thường mới”, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Mọi người cũng sớm tìm lại nguồn năng lượng cho mình.

- Trải nghiệm “làm F0” để lại điều gì đáng nhớ nhất trong Nam Kha? Theo bạn, để chiến thắng Covid-19, điều gì quan trọng nhất?

- Có lẽ là một F0 "nổi tiếng" (cười). Tôi không ngờ tinh thần lạc quan, câu chuyện tự chữa trị tại nhà của tôi lại được lan tỏa rộng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đến thế. Nhờ đó, nhiều bạn F0 đã kết bạn, nhắn tin hỏi thăm, trao đổi kinh nghiệm với tôi.

Để chiến thắng Covid-19, theo tôi, tinh thần khỏe mạnh là quan trọng nhất vì khi mình đủ bình tĩnh thì mới có thể tỉnh táo nhìn nhận vấn đề và tìm cách giải quyết. Nếu cứ giấu giếm, sợ bị kỳ thị sẽ khiến bản thân bị cô lập, hoang mang. Điều này chỉ tạo điều kiện cho virus tấn công mạnh hơn mà thôi.

7 ngày vượt qua Covid-19 tại nhà Trong những ngày điều trị Covid-19 tại nhà, Nam Kha (26 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) có chút lo lắng. Anh đã chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cây bút trẻ 9X Nam Kha hiện sống tại TP.HCM, là phóng viên báo Mực Tím Online và thiết kế đồ họa cho báo Khăn Quàng Đỏ.

Nam Kha là tác giả của các cuốn sách: Tuyệt đỉnh bí kíp teen truyền, Bắn tim bí kíp chuẩn teen, Tuổi dậy thì ti tỉ chuyện, Sống xanh không khó, Giữa muôn trùng nguy khó vẫn có nhiều lối ra.

Ngoài ra, anh là chủ biên, đồng tác giả dự án sách Travel Blogger - Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0... và nhiều tựa sách in chung khác.

Các nhà văn trẻ truyền thông điệp tích cực trong mùa dịch

Nam Kha, Dy Khoa hay Liêu Hà Trinh là các cây bút trẻ đã và đang bắt nhịp hiện thực xã hội để tìm nguồn cảm hứng viết sách.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm