Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng. Ảnh: TTXVN. |
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia, Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia trong ngày 8-9/11, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan trong ngày 10-13/11 tại thủ đô Phnom Penh.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Phnom Penh đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng về quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Campuchia, ý nghĩa của chuyến thăm cũng như công tác chuẩn bị của nước chủ nhà ASEAN cho chuỗi hội nghị quan trọng sắp tới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Thưa Đại sứ, Đại sứ đánh giá như thế nào về những tiến triển trong quan hệ song phương Việt Nam - Campuchia từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh hai nước kiểm soát khá tốt dịch Covid-19?
- Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Năm 2022 là năm kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, được lãnh đạo hai nước xác định là Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng quan hệ song phương từ đầu năm đến nay có nhiều tiến triển hết sức tốt đẹp, làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước. Có thể điểm lại một số nét chính như sau:
Thứ nhất, quan hệ chính trị tiếp tục được hai bên coi trọng và thực sự đóng vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác hai nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát khá tốt ở cả hai nước, từ đầu năm đến nay, hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên dưới nhiều hình thức, cả trực tiếp và trực tuyến, trên tất cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Hai bên đã và sẽ tiếp tục trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp. Về phía Việt Nam, mới đây đã có các chuyến thăm của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga.
Phía Campuchia cũng có nhiều đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam như Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam Men Sam An, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tea Banh, Đại tướng Hun Maneth, Phó tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia, Tư lệnh Lục quân Campuchia…
Thông qua các chuyến thăm nói trên, lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, quyết tâm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị, làm nòng cốt định hướng cho tổng thể quan hệ lâu dài Việt Nam - Campuchia trên mọi lĩnh vực.
Hai Thủ tướng Việt Nam - Campuchia trong lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20/6/1977 - 20/6/2022). Ảnh: Báo điện tử Chính phủ. |
Thứ hai, quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại không ngừng được củng cố, phát triển đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, thực sự là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước.
Hai bên tiếp tục phối hợp giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và môi trường hòa bình cho sự phát triển ở mỗi nước, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác, cũng như kế hoạch hợp tác hàng năm giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Campuchia.
Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, ngăn chặn và vô hiệu hóa các hoạt động của các lực lượng thù địch chống phá Việt Nam, Campuchia và quan hệ hai nước.
Hai bên tăng cường phối hợp tuần tra chung, giữ vững an ninh, trật tự, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới trên bộ và trên biển; tổ chức tốt giao lưu quốc phòng biên giới cấp bộ trưởng lần thứ nhất.
Hai bên cũng duy trì các hoạt động giao lưu kết nghĩa, đường dây nóng, phối hợp đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, giải quyết các vấn đề nảy sinh; xây dựng, củng cố, quản lý đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; tiếp tục tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.
Phát huy kết quả phân giới cắm mốc đã hoàn thành, hai bên đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để giải quyết khoảng 16% biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc.
Thứ ba, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục đạt được kết quả tích cực và đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước.
Tiếp tục đà tăng trưởng của hai năm 2020 và 2021, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt trên 9 tỷ USD.
Hai bên đang phối hợp để ký kết Hiệp định thương mại biên giới trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Campuchia.
Trong hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia tiếp tục khẳng định được chỗ đứng của mình, nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả như Công ty Viettel Cambodia với tên thương hiệu Metfone, các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, sữa Angkormilk, Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh…
Hai bên cũng phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia, hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia… nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh (Campuchia) tham gia tặng quà, gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại Campuchia. Ảnh: TTXVN. |
Nhờ đó, hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia có sự chuyển biến mạnh mẽ với vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn.
Thứ tư, quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước, vì mục tiêu phát triển của mỗi nước.
Bên cạnh việc hợp tác đào tạo đại học và trên đại học, hai bên đã trao đổi và thống nhất với Lào về chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo trẻ ở khu vực biên giới 3 nước.
Tổ chức phụ trách công tác thanh niên của hai nước cũng đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác, giao lưu giữa thế hệ trẻ, mở ra thời kỳ mới cho hợp tác thế hệ trẻ hai nước.
Thứ năm, quan hệ hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, các ủy ban của quốc hội, các tổ chức đoàn thể và tổ chức nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn.
Hai bên triển khai mạnh mẽ kế hoạch trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục mở rộng xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Việt Nam và Campuchia hỗ trợ lẫn nhau bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước. Ảnh: TTXVN. |
- Với những tín hiệu lạc quan đó, xin Đại sứ cho biết về những nội dung chính, ý nghĩa và tầm quan trọng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vương quốc Campuchia?
- Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Tiếp nối chuyến thăm cấp nhà nước đến Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (tháng 12/2021) và các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta, chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia lần này, cũng là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của ông Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương của ta trong việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN.
Trong đó, dành ưu tiên cao cho việc phát triển và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia, tiếp tục đưa quan hệ giữa hai nước đi vào giai đoạn mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau.
Trọng tâm của chuyến thăm lần này là Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và các nhà lãnh đạo khác của Campuchia trao đổi một cách sâu rộng về tình hình mỗi nước, tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; cùng nhau nhìn lại kết quả quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua và trao đổi, thống nhất về định hướng tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới; ký kết một số văn kiện hợp tác song phương; ra tuyên bố chung, làm khuôn khổ vững chắc cho việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên tất cả lĩnh vực trong thời gian tới.
- Nhân dịp thăm chính thức Vương quốc Campuchia lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có lịch trình tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan trong ngày 10-13/11 tại thủ đô Phnom Penh. Đại sứ nhận định như thế nào về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà cho chuỗi sự kiện với nhiều hội nghị, hoạt động quan trọng sắp tới, cũng như vai trò điều hành của Campuchia trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022?
- Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Phnom Penh trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp khó lường, đặt ra nhiều thách thức đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Trên tinh thần trách nhiệm, nước chủ nhà Campuchia đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị từ khá sớm, cả về nội dung và công tác an ninh, lễ tân, hậu cần.
Từ đầu năm đến nay, nước chủ nhà Campuchia đã tổ chức rất nhiều hội nghị về các lĩnh vực chuyên ngành để tạo sự đồng thuận của các nước ASEAN.
Campuchia đã chủ động và tích cực vận động các nước ASEAN tham gia đóng góp vào việc tìm kiếm giải pháp phù hợp cho vấn đề Myanmar và đẩy mạnh thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về vấn đề Myanmar.
Tuy chưa đạt kết quả thực chất, song các nước thành viên ASEAN đều thể hiện rõ lập trường và thái độ của mình về vấn đề Myanmar, qua đó tạo được sự đồng thuận cao về việc tiếp tục duy trì các nguyên tắc cơ bản của ASEAN nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực cũng như đối với các vấn đề toàn cầu.
Về công tác lễ tân, hậu cần, nước chủ nhà sẽ sử dụng tối đa khách sạn ở Phnom Penh, đội hình xe ôtô dịch vụ để phục vụ chu đáo cho các đoàn. Công tác an ninh cũng được đặc biệt quan tâm.
Từ nhiều tháng nay, lực lượng cảnh sát và các lực lượng đặc nhiệm khác đã được tập huấn về các giải pháp, biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các hội nghị.
Trung tâm báo chí và hoạt động cung cấp thông tin cho giới báo chí trong nước và quốc tế đến tác nghiệp, đưa tin về hội nghị cũng được phía chủ nhà Campuchia chuẩn bị khá chu đáo.
Tóm lại, có thể nói, Campuchia trong vai trò nước chủ nhà đã cố gắng làm tất cả những gì có thể nhằm bảo đảm cho thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Với sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN cũng như các nước bạn bè trên thế giới, chắc chắn các hội nghị sẽ được tổ chức thành công, đáp ứng được kỳ vọng và mong đợi của các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ.