Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tấm lòng cầu thủ Việt trong thời điểm khó khăn

Quang Hải, Bùi Tiến Dũng và đồng đội kêu gọi tấm lòng hảo tâm, tiền vệ Cao Văn Triền mở sổ tiết kiệm cho một gia đình khó khăn ở Bình Định là những hành động đẹp của cầu thủ Việt.

Bóng đá Việt Nam đang "đóng băng" vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều đội bóng phải dừng tập luyện, cầu thủ không được ra sân. Nhưng không vì vậy mà các hoạt động ngoài sân cỏ của họ dừng lại. Nhiều cách làm thiết thực trong giới "quần đùi áo số" đã mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng.

tam long cau thu viet giua mua covid-19 anh 1

Cao Văn Triền (giữa) khi được gọi lên tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

Nỗ lực của Cao Văn Triền

Tuần vừa qua là thời điểm bận rộn với tiền vệ đội trưởng CLB Sài Gòn. Cao Văn Triền nỗ lực mang lại tương lai tốt hơn cho một gia đình gặp khó khăn ở quê nhà. Chị Võ Thị Cúc (Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định) đột ngột ra đi vào chiều 14/7 để lại 3 con nhỏ, còn chồng đang đi biển chưa về kịp.

Thấy hoàn cảnh ở quê nhà khó khăn, gia đình lao đao trong lúc dịch Covid-19 ảnh hưởng, Văn Triền kêu gọi ủng hộ cho gia đình chị Cúc. Trong hơn 3 ngày, có nhiều bạn bè, người hâm mộ đóng góp vào tài khoản của tuyển thủ Việt Nam. Anh làm 2 sổ tiết kiệm gửi lại gia đình chị Cúc.

"Tôi đã làm 2 sổ tiết kiệm đứng tên cháu lớn trong gia đình, có người giám hộ là bố và bà ngoại. Tôi hy vọng số tiền ủng hộ của mọi người sẽ giúp các em có điều kiện ăn học sau này. Không chỉ đến đây là xong, tôi và quỹ Con sóng yêu thương sẽ quan tâm, làm cầu nối giúp các cháu sau này", Văn Triền tâm sự với Zing.

Anh đã nhờ một nữ cán bộ xã đứng ra trao tặng cho 3 con của chị Cúc. Cháu nhỏ nhất trong gia đình mới 30 tháng tuổi. Theo lời Triền, gia đình chị Cúc gặp nhiều khó khăn vì trước đó chiếc ghe hùn vốn đi biển gặp nạn ngoài cửa Tam Quan. Hai sổ tiết kiệm, một sổ trị giá 102 triệu đồng và một sổ 8 triệu 550.000 đồng, cả hai có lãi suất 5.6%/năm.

Đây không phải lần đầu tiên Văn Triền đứng ra kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở Bình Định. "Liên quan đến tiền bạc là việc tế nhị nên, tôi muốn làm sao cho công khai và hợp lý để người ta không nói ra nói vào. Tôi không sợ, mình làm tốt thì mình cứ làm. Ở quê tôi có nhiều trẻ mồ côi lắm, tôi hay trích tiền thưởng để mua sách vở cho các em", cầu thủ này chia sẻ.

Văn Triền thấy mình may mắn khi có cuộc sống tốt, nhưng không quên nghĩ về quê hương. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy anh kêu gọi cho một hoàn cảnh đáng thương nào đó ở Bình Định. Nhiều người gửi 10.000, 50.000 đồng đều được anh đón nhận, tổng hợp và công khai danh sách trên trang cá nhân của mình.

tam long cau thu viet giua mua covid-19 anh 2

Quang Hải cùng bạn bè và đồng nghiệp có hành động đẹp giúp đỡ những người khó khăn.

Quang Hải, Bùi Tiến Dũng chung tay

Nhóm 5 cầu thủ là Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu (CLB Hà Nội), Bùi Tiến Dũng (CLB TP.HCM), Hà Đức Chinh và Bùi Tiến Dụng (CLB Đà Nẵng) cùng nhau bán đấu giá chiếc áo của tuyển U23 Việt Nam để làm từ thiện. Bên cạnh đó, họ còn nhận thêm một chiếc áo số 2 mà trung vệ Đỗ Duy Mạnh từng mặc kèm chữ ký để quyên thêm tiền.

Sức lan tỏa của nhóm cầu thủ bạn bè thân thiết lớn hơn so với việc từng người đứng ra kêu gọi. Với những tài khoản có hàng triệu người theo dõi như thủ môn Tiến Dũng hay tiền vệ Quang Hải, thông điệp họ truyền đi càng nhiều hơn, mang lại nhiều hiệu ứng hơn.

"Mấy năm gần đây, Dũng sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Mảnh đất thân thương này đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của Dũng, và Dũng cũng luôn coi mình là một phần của thành phố này. Sài Gòn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, Dũng quyết định phải làm điều gì đó để giúp đỡ người dân nơi đây", thủ môn của CLB TP.HCM viết.

Anh cũng tự mình đóng góp và cùng người bạn Phan Công Khanh hỗ trợ nhu yếu phẩm, vận chuyển thực phẩm cho bà con gặp khó khăn trong thành phố. 50% số tiền quyên góp sẽ dùng để mua lương thực, 50% còn lại dùng để mua thiết bị y tế, như khẩu trang N95 và quan trọng là máy thở để cứu người bệnh nặng vì Covid-19.

Một cầu thủ khác cũng có tấm lòng nhân ái là tiền vệ Trần Minh Vương của HAGL. Anh viết một bức thư chia sẻ với hoàn cảnh của tiền vệ Trần Thị Hạnh (CLB Phong Phú Hà Nam) khi biết tin cầu thủ 18 tuổi phải giải nghệ vì bệnh lupus ban đỏ. Hạnh phải uống thuốc liên tục để duy trì sự sống, mỗi tháng tốn 8-9 triệu đồng.

Biết Hạnh xem mình là thần tượng, Minh Vương đã gửi tặng chiếc áo đấu và một số tiền nhằm động viên và giúp gia đình Hạnh trang trải cuộc sống của gia đình ở Hà Nam. Cô bé không thể làm việc nặng, từ bỏ bóng đá. Điều cô bé mong mỏi là có thể kiếm một công việc để phụ giúp cha mẹ và kiếm tiền mua thuốc men.

Còn nhiều cầu thủ khác vẫn âm thầm đóng góp cho xã hội bằng cách này hoặc cách khác. Các cầu thủ đang dần ý thức được hình ảnh của mình không chỉ gắn liền với trái bóng, mà còn là các hoạt động xã hội, là cầu nối sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Hiện tại, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải tạm hoãn, dự kiến đến tháng 2/2022. Nhiều cầu thủ đối mặt nguy cơ nợ lương hay có thể bị giảm lương trong 7 tháng tới để chia sẻ khó khăn với CLB. Dẫu vậy, họ vẫn chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Nữ cầu thủ Việt giải nghệ ở tuổi 18 vì bạo bệnh

Trần Thị Hạnh mắc lupus ban đỏ khi thi đấu, nên phải bỏ dở sự nghiệp cầu thủ để giữ gìn tính mạng.

Dusit nhận lời dẫn dắt đội bóng của nữ Chủ tịch Nualphan Lamsam

Ông Dusit Chalermsan đã được bà Nualphan Lamsam thuyết phục để về CLB Port làm HLV trưởng từ mùa giải 2021/22.

Quang Thịnh

Bạn có thể quan tâm