Nữ tuyển thủ đội U16 Việt Nam phải bỏ ngang giấc mơ cống hiến cho bóng đá nước nhà. Hạnh đá bóng với mong muốn giúp đỡ gia đình thoát nghèo, nhưng phải dừng lại để bảo vệ mạng sống của chính mình. "Nếu không uống thuốc, em sẽ chết", Hạnh nói.
"Bóng đá là cuộc sống của em. Bây giờ, em chỉ muốn làm gì đó để mình có thể sống lâu hơn, tìm một công việc nhẹ nhàng để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ", Hạnh chia sẻ với Zing sau khi hoàn cảnh của mình được nhiều người biết đến.
Trần Thị Hạnh (số 16) khi còn khoác áo U16 Việt Nam. Ảnh: VFF. |
Cô gái sinh năm 2003 giải nghệ ở tuổi 18. Căn bệnh lupus ban đỏ không cho phép em ra ngoài nắng, làm những công việc nặng, hạn chế ăn ngọt, tránh căng thẳng và còn nhiều điều khác được ghi trong đơn tư vấn của bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai.
Mọi thứ diễn ra vào tháng 10/2020 khi Hạnh cùng đội U19 Phong Phú Hà Nam thi đấu ở TP.HCM và Bình Dương. Cô lên cơn sốt cao 42-43 độ C. Bản thân Hạnh nghĩ bị dị ứng cho đến khi biết căn bệnh. Cô cũng không tin mình lại bị lupus ban đỏ.
Đó là căn bệnh chủ yếu xuất hiện ở nữ giới, chiếm đến 90%. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân. Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể.
Hạnh đã nghỉ bóng đá được 7 tháng, hồ sơ vẫn còn ở CLB chủ quản. Đội bóng vẫn trả lương cho cô đến tháng 4/2021. Cô gái 18 tuổi bây giờ chỉ quanh quẩn trong nhà, làm những việc vặt. Cô nói mùa này Hà Nam nắng nóng nên không nên đi ra ngoài.
Hàng tháng, bố của Hạnh cùng con gái út lên Hà Nội lấy thuốc. Tiền thuốc mỗi tháng từ 8-9 triệu đồng. Tất cả là thuốc đặc trị, được kê theo đơn chứ không được bán ở ngoài. Bác sĩ nói nếu không uống thuốc, cô khó giữ được mạng sống của mình.
Gia đình của cô gái Hà Nam có tổng cộng 6 người. Hạnh có 2 anh trai và một chị lớn. Bố mẹ làm phụ hồ, hoàn cảnh khó khăn. Để có tiền cho con cầm cự mạng sống, ông bà phải đi vay mượn thêm cho đủ tiền thuốc men.
Gia đình Hạnh gặp nhiều khó khăn với chi phí thuốc men 8-9 triệu/tháng. Ảnh: Chang Phăng. |
Biết được hoàn cảnh của Hạnh, một số câu lạc bộ bóng đá nữ, vài cầu thủ đồng nghiệp nam đã góp chút tiền cho gia đình Hạnh vượt qua khó khăn. Hạnh rất vui khi chia sẻ điều đó qua điện thoại, cô cũng biết bao nhiêu cũng không đủ vì phải uống thuốc cả đời.
Hạnh nói cô có thể sống được 5 năm nữa, nếu uống thuốc cũng thêm được vài năm. Cảm giác khi biết điều đó với cô rất hụt hẫng. Hạnh còn quá trẻ, còn nhiều ước mơ muốn hoàn thành, muốn giúp đỡ bố mẹ, muốn khoác áo tuyển Việt Nam.
Thần tượng của cô là tiền vệ Trần Minh Vương của HAGL. Thông qua sự kết nối, cầu thủ quê Thái Bình đã gửi chiếc áo đấu, một số tiền và một bức thư động viên tinh thần của cầu thủ nữ 18 tuổi. Hạnh rất xúc động với tấm chân tình của tuyển thủ Việt Nam.
"Bây giờ với em chủ yếu là tinh thần anh ạ", Hạnh nói. Cuộc sống của tuyển thủ U16 Việt Nam lúc trước gắn liền với quả bóng, thì nay phải bám chặt vào những viên thuốc để được sống, để cảm nhận.