Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tấm khiên thất lạc của Leonardo da Vinci

Khi được thuê trang trí một tấm khiên, Leonardo da Vinci đã vẽ lên đó nhân vật Medusa trong thần thoại Hy Lạp. Tấm khiên khiến cha Leonardo hoảng sợ.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Leonardo da Vinci là Mona Lisa, bức chân dung vẽ người phụ nữ có nụ cười bí ẩn. Nhưng nghệ sĩ thời Phục Hưng này còn có một kiệt tác thất lạc, khắc họa rùng rợn hình tượng bước thẳng ra từ sách về quái vật thần thoại.

Thiên nhiên luôn hớp hồn Leonardo da Vinci, người trong tương lai không chỉ trở thành một họa sĩ vĩ đại, mà còn là một trong những nhà khoa học xuất sắc thế giới thời kì Phục Hưng.

Phần lớn kiến thức của ông về đời sống động thực vật đến từ những chuyến dạo bước dài đơn độc qua vùng đồi núi của quê hương Tuscany, với một cuốn vở nháp trong tay.

“Khi cô độc, bạn hoàn toàn là chính mình” - ông từng nói - “Bạn nên tự nhủ: Mình sẽ đi theo con đường riêng và tách khỏi những người khác, đấy là cách tốt hơn cả để nghiên cứu hình dạng của các vật thể tự nhiên”.

Nhưng dù có hấp dẫn, thế giới tự nhiên cũng đồng thời là một kho tàng bí ẩn và kinh hoàng. Leonardo trẻ tuổi đã học được bài học ấy trong khi dạo bước một mình ở vùng nông thôn vào một ngày nọ, hy vọng thấy được “những dạng thức kỳ lạ và phong phú mà thiên nhiên tạo ra”.

Cậu gặp phải một cửa hang lớn, sâu và tối hơn mọi cái hang cậu từng thấy. Leonardo nán lại nơi cửa hang một lúc lâu. Cậu cúi xuống, ghé mắt nhòm vào, tìm kiếm dấu hiệu của chuyển động. Cậu rất sợ, nhưng cũng cực kỳ tò mò. Liệu cậu có phát hiện được con quái vật nào đang rình rập bên trong không?

Leonardo không bao giờ biết được. Cậu quá sợ hãi nên không dám khám phá sâu hơn. Nhưng tưởng tượng về loài sinh vật trong hang vẫn canh cánh bên cậu cho đến cuối đời, khơi nguồn cho niềm khao khát được lột tả vẻ kì ảo của thế giới tự nhiên - và trong một dịp đáng nhớ, cả thế giới siêu nhiên nữa.

Tuoi tho cua Leonardo da Vinci anh 1

Câu chuyện của Leonardo da Vinci được kể trong cuốn Thời thơ ấu của các thiên tài nghệ thuật. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Năm 1466, khi Leonardo 14 tuổi, cha gửi cậu đến Florence để làm thợ học việc cho một họa sĩ, nhà điêu khắc và chế tác vàng nổi tiếng tên là Andrea del Verrocchio. Cuộc sống trong xưởng của Verrocchio thường tẻ nhạt. Leonardo ngày qua ngày mài bột màu, đi chợ và chạy vặt cho thầy.

Cậu làm việc chăm chỉ và thu được phần thưởng là những chỉ dẫn vô giá trong nghệ thuật hội họa và giải phẫu. Leonardo nhanh chóng trở thành một trong những học trò xuất sắc của Verrocchio và tự mình tiến lên vị trí họa sĩ tài ba.

Một ngày nọ, theo như nhà sử học nghệ thuật thế kỉ 16 Giorgio Vasari, một người bạn nông dân đã đưa cho cha Leonardo, ngài Piero da Vinci, một tấm khiên tròn làm bằng gỗ sung, nhờ gửi đến Florence trang trí giúp. Cha của Leonardo giao việc này cho con trai mình, bảo Leonardo vẽ một bức tranh lên mặt trước của tấm khiên.

Để tìm kiếm cảm hứng, Leonardo vắt óc suy nghĩ thật lâu để tìm một chủ đề đáng sợ, thích hợp với vai trò trang trí cho tấm khiên của một chiến binh. Thứ gì đáng sợ đến mức sẽ làm khiếp đảm bất cứ ai chạm mắt nó đây? Có lẽ chính vào lúc đó, Leonardo nhớ lại trải nghiệm trong quá khứ khi cậu dòm vào hang tối để tìm kiếm quái vật.

Đột nhiên ý tưởng đến với cậu. Leonardo nhớ lại câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Medusa, ả quái vật có mái tóc là bầy rắn độc. Người ta nói rằng bất cứ ai nhìn vào khuôn mặt của ả ta sẽ hóa đá ngay lập tức. Còn cách chinh phục kẻ địch nào tốt hơn là dọa hắn bằng cái đầu dữ tợn của Medusa trên tấm khiên của bạn?

Và đó chính là thứ Leonardo đã vẽ. Cậu rút về phòng riêng trong xưởng của Verrocchio, dồn hết tưởng tượng vào việc sáng tạo hình ảnh Medusa tóc rắn gớm ghiếc nhảy ra từ một mỏm đá vỡ, phun nọc độc, thở ra lửa và phì khói từ hai lỗ mũi. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng - và Leonardo rất tâm đắc.

Khi tấm khiên hoàn thành, Leonardo gọi cha tới nhận. Ngài Piero đến lúc sáng sớm, nóng lòng được giao lại tác phẩm cho người nông dân và nhận tiền công. Ông gõ cửa phòng con trai, nhưng Leonardo chỉ mở hé cửa, bảo ông chờ trong giây lát. Rồi cậu trở lại phòng và đóng chặt cửa sổ, căn phòng chìm trong bóng tối tuyệt đối, chỉ có một luồng sáng rọi vào đúng tấm khiên. Rồi Leonardo gọi cha vào.

Vừa nhìn thấy tấm khiên, ngài Piero liền loạng choạng lùi lại. Tin rằng một con quỷ hay thứ quái vật kinh khủng nào đó đã đậu lên chiếc khiên, ông định quay đầu bỏ chạy.

Nhưng Leonardo đã chặn ông lại. “Tác phẩm đã đáp ứng mục đích sáng tác” - cậu tuyên bố - “Đó chính là hiệu quả mà con muốn tạo ra!”.

Ngài Piero từ chối tấm khiên. Ông không thể chấp nhận ý nghĩ bắt bất cứ ai phải chịu nỗi kinh hãi mình vừa nếm trải. Thay vào đó, ông tìm một tấm khiên khác, vẽ lên đó hình một trái tim bị mũi phi tiêu xuyên qua, rồi đưa nó cho người bạn nông dân của mình.

Vậy còn số phận nàng Medusa của Leonardo thì sao? Theo như truyền thuyết, ngài Piero bán tấm khiên cho một đoàn lái buôn Florence lấy một trăm ducat. Họ lại bán tác phẩm cho Công tước xứ Milan với số tiền gấp ba lần mức giá ấy. Nhưng không ai dám khẳng định câu chuyện này là thật. Kể từ đó tấm khiên đã biến mất, báu vật thất lạc từ thời thơ ấu của tác gia bậc thầy vẫn tiếp tục ám ảnh chúng ta tới tận ngày nay.

Ai biết được? Có lẽ một ngày nào đó sẽ có người phát hiện ra tấm khiên khủng khiếp ấy, bị chôn vùi giữa kho báu vật trong một cửa hiệu đồ cổ bụi bặm.

David Stabler / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY