Theo The Next Web, bản đồ này được vẽ thông qua việc thu thập dữ liệu quang học của 3/4 bầu trời từ Đài quan sát Pan-STARRS tại Hawaii (Mỹ).
Nhóm nhà khoa học đã tạo ra thuật toán để phân tích các thiên thể thông qua số liệu thu thập từ phép đo quang phổ, từ đó phân loại chính xác các vật thể cũng như khoảng cách của chúng từ vị trí của chúng ta.
Hình ảnh bản đồ vũ trụ được vẽ nhờ sự trợ giúp của AI. Ảnh: STSCI. |
Phó giáo sư Robert Beck, người sáng lập ngành vũ trụ học tại IfA, cho rằng với việc sử dụng những thuật toán được tối ưu, nhóm của anh đã huấn luyện cho AI phân biệt phổ kế từ 4 triệu nguồn sáng khác nhau. Nhờ đó, AI có thể dự đoán các loại thiên hà khác nhau và khoảng cách của chúng, đồng thời lấp các khu vực mà ánh sáng bị hao hụt do bụi bên trong dải Ngân hà.
Điều này giúp AI có thể phân loại với tỷ lệ chính xác là 98,1% đối với thiên hà, 97,8% đối với các ngôi sao và 96,6% cho các chuẩn tinh (thiên thể cực xa, cực sáng với dịch chuyển đỏ rất lớn đặc trưng).
Đội ngũ cho biết những thông tin họ tổng hợp được lớn gấp đôi so với bản đồ vũ trụ lớn nhất trước đây được tạo bởi Sloan Digital Sky Survey (SDSS), với vùng không gian khảo sát là 1/3 bầu trời.
Một bản thu gọn của bản đồ đã giúp phát hiện các khoảng trống của vũ trụ (nơi có mật độ ngân hà thấp hoặc thậm chí không tồn tại).
Gần 300 GB dữ liệu về bản đồ cho phép mọi người tải và đọc thông qua website tư liệu của Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian (STSCI).