Logo Nokia tại triển lãm di động Mobile World Congress. Ảnh: dpa. |
Ngày 14/12, SCMP đưa tin Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Trùng Khánh (Trung Quốc) ủng hộ kiến nghị của hãng điện thoại Oppo, yêu cầu Nokia giảm giá phí bản quyền cho các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu (SEP) liên quan đến công nghệ mạng từ 2G đến 5G.
Phán quyết của tòa án yêu cầu Nokia tính phí bản quyền 1,151 USD cho mỗi thiết bị cầm tay đa chế độ có 5G tại các thị trường phát triển (bao gồm châu Âu), và 0,707 USD ở những quốc gia khác (có Trung Quốc).
Website của Nokia ghi rằng phí cấp phép bản quyền của công ty có thể lên 3,24 USD cho mỗi smartphone 5G.
Tòa án Trùng Khánh cũng nhấn mạnh chi phí sử dụng bằng sáng chế cho smartphone 4G tại Trung Quốc là 0,777 USD mỗi thiết bị ở các khu vực phát triển, và 0,477 USD tại những nơi còn lại.
Tranh chấp dai dẳng
Trong thông báo chính thức, Oppo hoan nghênh quyết định của tòa án, kêu gọi Nokia tuân thủ phán quyết "để 2 bên có thể nhanh chóng quay lại các cuộc đàm phán mang tính xây dựng".
Về phía Nokia, đại diện công ty cho biết sẽ kháng cáo phán quyết bởi phạm vi "chỉ giới hạn trong vùng tài phán của Trung Quốc, thể hiện quan điểm một chiều".
"Các tòa án bên ngoài Trung Quốc đã xác nhận Oppo vi phạm những cam kết với tư cách công ty sử dụng công nghệ của Nokia trong các tiêu chuẩn mở... Chúng tôi vẫn tin tưởng quan điểm của mình trong vụ tranh chấp, và hy vọng sẽ sớm giải quyết vấn đề", đại diện công ty từ Phần Lan nói thêm.
Biển quảng cáo điện thoại của Oppo tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: AFP. |
Từ 2021, Oppo và Nokia vướng vào nhiều vụ kiện ở 12 quốc gia, do không đạt thỏa thuận về phí bản quyền sử dụng bằng sáng chế của Nokia trên điện thoại Oppo. Đơn kiện được Oppo nộp tại khu đô thị phía tây nam Trùng Khánh vào năm 2021.
Đây không phải lần đầu các tòa án Trung Quốc ra phán quyết liên quan đến phí sử dụng bằng sáng chế nộp cho những công ty nước ngoài.
Trong vụ tranh chấp tương tự giữa Oppo và Sharp năm 2020, tòa án tại phía nam Thâm Quyến khẳng định có thẩm quyền ấn định tỷ giá FRAND toàn cầu. Đây là thuật ngữ mô tả các công ty nắm giữ bằng sáng chế có nghĩa vụ cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ của họ một cách "công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử".
Đơn kháng cáo vụ việc của Sharp bị bác bỏ. Sau khi Tòa án Tối cao Trung Quốc giữ phán quyết, Oppo và Sharp đã đạt thỏa thuận cấp phép chéo để chấm dứt tất cả vụ kiện trên toàn cầu giữa 2 bên.
Ngày càng khó đàm phán
Julia Zhu, người đứng đầu bộ phận cấp phép và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Oppo, cho biết các công ty Trung Quốc cố gắng có tiếng nói lớn hơn trong việc định giá phí cấp phép sử dụng công nghệ.
"Chúng tôi hy vọng phán quyết của tòa án Trùng Khánh sẽ đặt ra tiêu chuẩn ngành, và chi phí do tòa án đưa ra sẽ là tài liệu tham khảo uy tín cho những vụ kiện tụng khác", Zhu nhấn mạnh.
Một cửa hàng điện thoại của Xiaomi. Ảnh: SCMP. |
Oppo, hãng smartphone lớn thứ 4 thế giới trong quý III, đang rất muốn chấm dứt kiện tụng. Năm ngoái, công ty đã thua cuộc trong vụ kiện bằng sáng chế với Nokia tại Đức, khiến một số smartphone bị cấm bán ở quốc gia này.
Đầu năm nay, một tòa án tại Ấn Độ yêu cầu Oppo trả cho Nokia phí bản quyền tương đương 23% doanh số tại đất nước này. Trong khi đó, tòa án ở Indonesia đã bác bỏ khiếu nại vi phạm bằng sáng chế với Oppo do Nokia đệ trình.
Do tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, các hãng smartphone trong nước thường chịu phí cấp phép bản quyền công nghệ thấp hơn so với đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, các công ty ngày càng gặp khó trong việc đàm phán phí bản quyền.
Không chỉ Oppo, Vivo cũng gặp tình trạng tương tự. Tranh chấp với Nokia khiến thương hiệu này ngừng bán sản phẩm tại Đức từ tháng 5, đồng thời hủy bỏ kế hoạch phân phối thiết bị sang Hà Lan.
Tại Trung Quốc và châu Âu, Oppo và Xiaomi cũng đang tranh chấp với công ty điện tử Panasonic của Nhật Bản với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế liên quan đến công nghệ mạng 4G.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.