Quân đội Mỹ tuyên bố họ đã phá hủy hoặc vô hiệu hóa gần 100 phương tiện chiến đấu và hàng chục máy bay tại Afghanistan trước khi rút về nước. Đây được coi là hành động cuối cùng của Mỹ nhằm ngăn chặn lực lượng Taliban tiếp cận và sử dụng kho vũ khí này.
Tuy vậy, khi quân đội Mỹ rời đi, giới chức quốc phòng, các nhà lập pháp và chuyên gia quân sự nước này đang theo dõi thận trọng số phận của những vũ khí, phương tiện, khí tài vẫn chưa bị vô hiệu hóa. Taliban có thể sử dụng chúng hoặc đem bán cho các tay buôn vũ khí trong khu vực.
Kho vũ khí lớn
Oryx, một trang blog chuyên đưa tin về khí tài quân sự, cho biết Taliban thu được ít nhất 38 máy bay chiến đấu, 13 trực thăng và 7 phương tiện bay không người lái trong trạng thái vận hành tốt.
Tuy vậy, tổng lượng vũ khí, khí tài rơi vào tay Taliban nhiều khả năng còn lớn hơn. Taliban cũng thu được hàng nghìn vũ khí tấn công và phương tiện quân sự trên bộ được Mỹ cung cấp, cũng như nhiều vũ khí, trang thiết bị khác như các bộ phận của pháo và kính nhìn đêm.
Các tay súng Taliban tại sân bay Kabul sau khi quân đội Mỹ rời đi. Ảnh: Los Angeles Times. |
Một số đoạn video và hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một máy bay trực thăng UH-60 Black Hawk của Mỹ cất cánh thành công sau khi rơi vào tay Taliban.
Một tài khoản mạng xã hội của Taliban bình luận: “Không quân của chúng ta! Đến thời điểm này, trực thăng của Tiểu vương quốc Hồi giáo (tên gọi của Afghanistan dưới thời Taliban) đang bay trên bầu trời Kandahar và tuần tra thành phố”.
Một đoạn video khác cho thấy một chiếc trực thăng mang cờ Taliban bay qua một đoàn xe bao gồm các trang thiết bị, khí tài quân sự bị Mỹ bỏ lại.
Độ xác thực của các đoạn video này chưa được kiểm chứng, địa điểm của chúng cũng chưa được xác định. Ông Suhail Shaheen, người phát ngôn của Taliban, cho biết thông tin cụ thể sẽ được công bố sau.
“Đây vẫn đang là những ngày đầu tiên”, ông Shaheen nói. “Khi chính phủ mới ra mắt, thông tin cụ thể hơn về các trang thiết bị quân sự sẽ được công bố”.
Trong 20 năm qua, Washington đầu tư hơn 80 tỷ USD vào lực lượng an ninh Afghanistan. Một phần trong số đó được cung cấp dưới dạng vũ khí, khí tài quân sự. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định việc Taliban thu giữ một phần kho vũ khí này không gây lo ngại cho Mỹ và các đồng minh.
“Chúng tôi không lo ngại bất kỳ sự mất mát lớn này về mặt công nghệ hay năng lực nhạy cảm”, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon cho biết. “Dù Taliban có thể hưởng lợi từ việc chiếm vũ khí, đây không phải là mối đe dọa với Mỹ và các đồng minh hay đối tác”.
Nhiều hình ảnh cho thấy binh sĩ Taliban được trang bị “từ đầu đến chân” bằng trang phục của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và cầm trên tay vũ khí do Mỹ sản xuất. Sau khi quân Mỹ rời đi, lực lượng Taliban đã khảo sát các phương tiện bị bỏ lại ở sân bay Kabul, bao gồm trực thăng Chinook và máy bay vận tải C-130.
Một số vũ khí bị Taliban thu được từ tay quân chính phủ Afghanistan năm 2017. Ảnh: Military Times. |
Tướng Frank McKenzie, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Trung Đông, cho biết binh lính của ông đã vô hiệu hóa khoảng 100 phương tiện chiến đấu mặt đất và 73 máy bay.
Trong một số trường hợp, lính Mỹ rút dầu khỏi phương tiện và để động cơ chạy đến khi hỏng. Một số phương tiện khác bị phá hỏng hệ thống điện tử.
Thách thức trong dài hạn
Một số chuyên gia quân sự nhận định các trang thiết bị được Taliban thu giữ ít có giá trị đối với lực lượng này. Quá trình bảo dưỡng là tương đối phức tạp, được thực hiện bởi các nhà thầu quân sự đã rời Afghanistan.
“Việc giúp các máy bay này có thể hoạt động trong thời gian dài là một thách thức lớn”, ông John Venable, cựu sĩ quan không quân từng phục vụ tại Afghanistan, nói. “Chúng phụ thuộc vào phụ tùng thay thế, nhưng nguồn cung này đã bị cắt đứt”.
Tuy vậy, một số nhà phân tích khác chỉ ra các quốc gia thân thiện với Taliban có thể giúp lực lượng này kéo dài tuổi thọ của máy bay qua cung cấp phụ tùng, bảo dưỡng và phi công. Bên cạnh đó, một số phi công do Mỹ đào tạo vẫn ở lại đất nước. Những người này có thể bị buộc phải điều khiển máy bay.
Khi lực lượng chính phủ Afghanistan dần sụp đổ trước sức tấn công của Taliban, hàng trăm phi công Afghanistan cùng gần 50 máy bay bỏ chạy sang nước láng giềng Uzbekistan.
Trước áp lực của Taliban, chính phủ Uzbekistan yêu cầu những phi công này rời đất nước. Một nhóm nghị sĩ Mỹ đang cố gắng đưa họ về Afghanistan để tham gia lực lượng chống lại Taliban ở thung lũng Panjshir.
Bên cạnh sử dụng, Taliban có thể bán một phần vũ khí, khí tài thu được. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy một số tuyến đường buôn lậu vũ khí đã được thiết lập trong thời gian dài giữa Taliban và các cá nhân tại Iran, Pakistan hay Tajikistan.
Một chiếc trực thăng bị Taliban chiếm giữ. Ảnh: Twitter. |
“Những vũ khí mới thu được có thể được đưa khỏi Afghanistan dựa trên những tuyến đường hiện có”, ông Lauren Woods, giám đốc Tổ chức Giám sát Viện trợ An ninh tại Washington, Mỹ, nhận định. “Quy trình giám sát và kiểm kê của Mỹ không đủ để ngăn chặn vũ khí bị sử dụng sai mục đích”.
Tuy vậy, những vũ khí này có thể giúp Taliban củng cố chính quyền trong ngắn hạn.
“Sở hữu nhiều vũ khí tương đương với có nhiều quyền lực”, Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Waltz nói. “Tôi thấy Taliban đang nắm lấy lợi thế này và chuẩn bị cho những gì sắp xảy đến”.