Khi Soraya, một chủ buôn bán nhỏ tại Kabul, đi chợ như thường lệ ở phía tây thủ đô vào tuần này, cô để ý thấy một số thay đổi. Trong các cửa hàng quần áo phụ nữ là thành viên Taliban đứng giám sát những món đồ được bán ra và kiểm tra độ dài đồ may đo có phù hợp hay không.
“Thật đau lòng khi có người qua đường đến trước tôi và yêu cầu tôi che mặt”, Soraya nói. “Kể cả người thợ may tôi gặp cũng dặn tôi che mặt trước khi nói chuyện”.
Từ ngày 7/5, khuôn mặt của phụ nữ trở thành đối tượng mới nhất của những lệnh hạn chế tại Afghanistan sau khi Taliban thông báo phụ nữ phải mặc đồ che kín toàn thân nơi công cộng. Taliban mô tả đây chỉ là “khuyến nghị” nhưng lại đặt ra loạt biện pháp phản ứng ngày càng nặng đối với người không tuân thủ.
“Dường như làm phụ nữ ở Afghanistan là một cái tội”, Sana, một phụ nữ mất việc sau khi Taliban lên nắm quyền, nói.
Gọng kìm của Taliban đối với quyền lợi phụ nữ tại Afghanistan ngày càng siết chặt. Ảnh: Reuters. |
Những khuôn mặt che kín cả đôi mắt
Taliban từng hứa sẽ ôn hòa hơn trong đường lối lãnh đạo, bao gồm đảm bảo quyền phụ nữ và bảo vệ nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, từ khi trở lại chiếc ghế quyền lực vào tháng 8/2021, Taliban đã đưa ra nhiều sắc lệnh hạn chế quyền tự do của phụ nữ như cấm làm việc công chức, cấm học cấp 2, và không cho đi lại trong phạm vi hơn 72 km ra khỏi nhà mà không có mahram, tức người giám hộ nam giới, đi cùng.
Trước khi có quy định che mặt mới, hầu hết phụ nữ Afghanistan vốn đã mặc hijab, loại khăn che đầu và cổ, hoặc các loại khăn tương tự. Nhưng sắc lệnh mới buộc phụ nữ mặc niqab (trang phục che mặt, hở mắt) hoặc burqa (trang phục che kín toàn thân, phần mắt có lưới) khi ra đường.
Việc ăn mặc của phụ nữ sẽ do mahram, tức người giám hộ nam giới và thường là người thân là đàn ông, giám sát. Nếu không, người giám hộ sẽ bị xử phạt. Đàn ông có thể bị triệu tập tới gặp chính quyền và có thể bị xét xử hoặc giam 3 ngày. Phụ nữ có việc làm có thể bị sa thải.
Trước những quy định mới, một số phụ nữ đang mạo hiểm sự an toàn của bản thân để lên tiếng.
Tuần này, một nhóm người tại Kabul trong trang phục truyền thống nhiều màu của Afghanistan đã xuống đường biểu tình chống quy định che mặt.
“Trong 8 tháng qua, Taliban chưa làm được gì cho chúng tôi ngoại trừ việc kiểm soát cách ăn mặc. Kinh tế chính trị đang bất ổn mà Taliban không ưu tiên giải quyết những vấn đề ấy”, Maryam, một người biểu tình, nói.
Các kiểu khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo. Đồ họa: BBC. |
Trả lời BBC, một số người biểu tình cho biết khi họ cố gắng xuống đường để biểu tình, họ đã bị người của Taliban chặn lại.
“Họ bắt tôi đứng một chỗ trong 2 tiếng, họ lấy điện thoại và dọa đưa tôi về đồn cảnh sát”, Hajira nói.
Một cô gái khác tên Sheikba cho biết mình luôn chịu áp lực phải phục tùng quy tắc ăn mặc trong xã hội Afghanistan, trong đó có sức ép từ các thành viên nam giới trong gia đình.
“Khác biệt lúc này là tôi phải đấu tranh ở hai mặt trận, với cả gia đình và với Taliban”, Sheikba nói. “Tôi sợ hãi nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh”.
Đi lại cần có người giám hộ nam
Nhưng ăn mặc không phải là hạn chế duy nhất Sheikba gặp phải. Gần đây, chị bị chặn lại trên đường lên máy bay nhận học bổng tại Iran vì không có người giám hộ nam giới đi cùng.
“Tôi đã giải thích với Taliban rằng tôi không thể đưa bất cứ ai đi theo tới Iran nhưng họ không nghe”, chị Sheikba nói.
Hồi tháng 3, Taliban ra lệnh ngăn phụ nữ lên chuyến bay nội địa hoặc quốc tế khi không có mahram đi cùng. Taliban còn cho biết phụ nữ muốn di chuyển đường dài trên bộ chỉ nên được lên xe nếu có người thân nam giới đi cùng.
Hình ảnh phụ nữ bên ngoài các cửa tiệm tại Kabul bị sơn lên trong những ngày đầu sau khi Taliban lên nắm quyền. Ảnh: Washington Post. |
Cũng như Sheikba, Fereshtah rất lo cho tương lai của mình. Cha của chị đã qua đời khi chị mới một tuổi nên việc không có người giám hộ nam giới trong nhà có thể giới hạn việc đi lại của Fereshtah.
Fereshtah từ lâu đã đấu tranh với gia đình để được quyền lao động bên ngoài căn nhà. Trong một khoảng thời gian, chị đã có được công việc cán bộ công tác xã hội và có thể đi lại để dự hội thảo với chị gái.
“Tôi từng hy vọng khi tốt nghiệp đại học sẽ có thể tiếp tục du học và lấy bằng thạc sĩ, nhưng lúc này tôi không còn lạc quan cho lắm”, chị Fereshtah nói.
Tuần này, Fereshtah nhận thông báo từ giáo sư giảng dạy yêu cầu chị và bạn học phải tuân thủ quy định mới của Taliban về cách ăn mặc.
“Tôi sẽ mặc kín hơn một chút vì tôi lo họ sẽ tới nhà tôi mà không có ai trong nhà, nhưng sẽ không đến mức Taliban yêu cầu”, chị nói.
Najma, một cô gái đã tốt nghiệp đại học Herat, cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với Taliban về phương diện quyền phụ nữ.
“Trái tim tôi tan nát, tôi thấy yếu đuối vì cảm giác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ những quy định ngu ngốc ấy”, Najma nói. “Tôi không thể mô tả được mức độ tồi tệ của tình hình lúc này. Họ đang gây áp lực cho phụ nữ và nhốt chúng tôi vào rọ”.