Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, phụ nữ dần bị gạt bỏ khỏi các công sở, và cũng gần như không còn bóng dáng trên đường phố và nơi công cộng. Nhiều người cảm thấy bị mắc kẹt trong một xã hội bảo thủ và mất quyền kiểm soát, nỗi lo ngại ngày càng dâng cao về những quy định hà khắc mới, lệnh cấm đi lại và cấm giáo dục.
Tuy nhiên, đằng sau những bức tường của một số bệnh viện do phụ nữ điều hành ở Kabul, lại tồn tại một thực tế khác: Những người phụ nữ đang giúp đỡ nhau, tư vấn về hôn nhân, chăm sóc và nhận nuôi trẻ em bị bỏ rơi.
"Không có bóng dáng người đàn ông nào ở đây"
Nhiều bác sĩ và y tá ở đây vừa chăm sóc con cái và vừa là trụ cột tài chính của gia đình. Và họ đồng ý rằng: Mọi thứ hoạt động tốt hơn khi phụ nữ dẫn dắt.
Bác sĩ Ghazanfar Shaharbanu đang làm việc trong khoa sơ sinh, tại một bệnh viện phụ sản Kabul. Ảnh: Guardian. |
"Thực tế, từng có nam giới làm việc ở đây khi Taliban tiếp quản, nhưng vì đây là bệnh viện phụ sản nên họ được cho là không phù hợp. Bây giờ, phụ nữ đang làm công việc đó", Jagona Faizli, 31 tuổi, bác sĩ phụ khoa chia sẻ.
Faizli là mẹ của 3 cô con gái, còn chồng cô ở nhà làm nội trợ những hôm cô phải trực đêm.
“Đó là người đàn ông mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết, vì anh ấy đi ngược lại các chuẩn mực của xã hội ở đây. Chúng tôi kết hôn vì tình yêu và anh ấy mãi là lựa chọn duy nhất của tôi", cô trải lòng.
Với Faizli, công việc ở bệnh viện đã cho cô cơ hội cởi mở và thấu hiểu cả bệnh nhân và các đồng nghiệp.
“Không có bóng dáng người đàn ông nào ở đây, vì thế tôi cảm thấy tự do trong bệnh viện này. Nhiều phụ nữ đã đến đây tâm sự những khó khăn trong hôn nhân của họ với tôi. Tôi cố gắng cho họ lời khuyên và chia sẻ bằng khả năng của mình", cô nói.
Thực tế, phụ nữ còn làm được nhiều hơn thế. Mariam Maqsoodi, một bác sĩ nội trú 29 tuổi, chia sẻ rằng sau khi lượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện tăng cao, bệnh viện đã thành lập một “ủy ban nhận trẻ mồ côi" để chăm sóc các em bé.
"Chúng tôi đăng ký cho những gia đình hiếm muộn và muốn nhận con nuôi, và nếu các bé không tìm được gia đình mới, nhân viên thường là người nhận nuôi cuối cùng", cô tâm sự.
"Ngay cả Taliban cũng biết rằng họ cần chúng tôi"
Có tới 100 trẻ được sinh ra mỗi ngày tại bệnh viện của Maqsoodi và ít nhất 140 nữ nhân viên phụ trách vận hành hoạt động của bệnh viện.
Các nữ hộ sinh trong một lớp học thực hành ở Kabul. Ảnh: Guardian. |
“Bản thân tôi có bốn đứa con và tôi rất nhớ chúng. Tôi buộc phải dặn lũ trẻ rằng tôi có việc quan trọng phải làm. Khi Taliban trở lại, 12 bác sĩ của bệnh viện đã rời khỏi đất nước", Maqsoodi kể lại.
“Tất cả chúng tôi đều sợ hãi và muốn rời đi, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn ở đây chăm sóc những sinh linh bé nhỏ”, Maqsoodi nói thêm.
Đây là khoảng thời gian khó khăn. Họ cảm thấy Taliban gây áp lực lớn. Nhiều nhân viên y tế đã không thể đi làm trong nhiều tuần vì quá sợ hãi. Nhưng dần dần, họ quay trở lại công việc. "Ngay cả Taliban cũng biết rằng họ cần chúng tôi", Faizli nói.
Không nhận được lương
Khi Taliban mong muốn thành lập một chính phủ mới, tổ chức này đã bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc áp đặt các chính sách vi phạm quyền và tạo rào cản lớn cho phụ nữ.
Cho dù gặp nhiều khó khăn, bác sĩ Faizli vẫn rất yêu thích công việc này. Ảnh: Guardian. |
Trong nhiều tháng sau đó, kèm theo sự việc đóng băng nguồn dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan ở nước ngoài, các bác sĩ và nhân viên y tế trên khắp đất nước đã không thể nhận được tiền lương.
Gần đây, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã tiếp nhận việc trả lương cho hàng nghìn nhân viên y tế cả nam và nữ trên khắp Afghanistan.
Eloi Fillion, người đứng đầu ICRC tại Afghanistan, cho biết: “Trong những tháng qua, chúng tôi đã thấy những nữ nhân viên y tế tận tâm và nỗ lực hết mình để cứu người, thậm chí làm không lương, phải di chuyển xa, làm việc trong các cơ sở y tế gặp khó khăn về hoạt động".
“Nếu không có phụ nữ, hệ thống y tế sẽ không hoạt động".
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành y tế vẫn còn hoài nghi về tương lai. “Hầu hết bé gái ở Kabul vẫn chưa học trung học, vậy các con gái của tôi sẽ có cơ hội nào ở đây? Afghanistan không còn là nơi phù hợp để phát triển tương lai của lũ trẻ", Faizli nói.