Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Afghanistan vỡ mộng với Taliban

Nền hòa bình mà Taliban hứa hẹn không tốt đẹp như nhiều người Afghanistan từng mơ tưởng, nó đi kèm khủng hoảng kinh tế tồi tệ chưa từng có, trong khi quyền của phụ nữ bị chà đạp.

Afghanistan Taliban anh 1

Zulhijjah Mirzadah là một cư dân của thủ đô Kabul. Cuối tuần qua, giống như nhiều gia đình Afghanistan khác, Zulhijjah cùng chồng và 5 con đến công viên quốc gia ở Kabul dã ngoại mừng ngày Eid al-Fitr, ngày kết thúc tháng lễ ăn chay Ramadan.

Nhưng Mirzadah chỉ có thể đi đến cổng. Tại cửa ra vào, lính canh nói phụ nữ không được phép đi vào công viên quốc gia trong ngày lễ Eid.

"Chúng tôi đang đối mặt quá nhiều vấn đề, hàng hóa đắt đỏ, không có việc làm, con gái của chúng tôi không được đi học. Điều tối thiểu tôi mong muốn là đi dã ngoại trong công viên trong ngày này cũng bị tước đoạt", Mirzadah nói, theo New York Times.

Hòa bình không như mong đợi

Sau 20 năm chiến tranh và bạo lực liên miên, nhiều người dân Afghanistan từng hy vọng hòa bình cuối cùng sẽ lập lại và Eid al-Fitr là dấu mốc đáng nhớ nhất, ngày các gia đình có thể đoàn tụ bên nhau.

Hiện nay, chiến tranh đã chấm dứt. Người dân có thể di chuyển tự do trên các tuyến cao tốc không còn tiếng súng, không còn đánh bom bên đường, những vụ bắt cóc tống tiền cũng biến mất từ lâu.

Nhưng với nhiều người, ngày lễ Eid là lời nhắc nhở sống động sự khác biệt giữa nền hòa bình mà Taliban từng hứa hẹn với thực tại khốc liệt khi chiến tranh đã qua đi.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ thổi bay phần lớn thu nhập của người dân, khiến giá hàng hóa cơ bản tăng chóng mặt, buộc nhiều gia đình từ bỏ phong tục mua quần áo mới hoặc trái cây khô trong dịp Eid đầu tiên trong hòa bình.

Sau hàng loạt vụ nổ xảy ra tuần qua, nỗi lo tấn công khủng bố quay trở lại khiến người dân e ngại không dám đến các thánh đường Hồi giáo.

Tại các khu vực thành thị, phụ nữ đang dần tuyệt vọng trước các chỉ thị xâm phạm quyền cơ bản ngày càng trắng trợn của chính quyền Taliban, họ không có lý do gì để ăn mừng ngày Eid.

Afghanistan Taliban anh 2

Nền kinh tế Afghanistan đã sụp đổ. Ảnh: New York Times.

Hôm 7/5, Taliban ban bố sắc lệnh bắt buộc phụ nữ Afghanistan phải mặc trang phục trùm kín toàn thân. Đây là biện pháp tiếp theo nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi mặt đời sống của phụ nữ dưới chế độ Taliban. Trước đó, Taliban đã cấm phụ nữ và trẻ em gái từ lớp 6 trở lên đến trường học.

"Thú thực, năm nay chúng tôi không có ngày Eid", cô Mirzadah nói.

Cuối tuần qua, khi người Afghanistan cầu nguyện tại các thánh đường Hồi giáo trong lễ Eid, các chiến binh Taliban vẫn tuần tra khắp mọi ngóc ngách thủ đô, dấu hiệu sinh động cho thấy nguy cơ bạo lực vẫn hiển hiện.

Trong vòng 2 tuần trước lễ Eid, hàng loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra nhắm vào các nhà thờ, trường học, sự kiện tập trung đông người. Ít nhất 100 người đã thiệt mạng, chủ yếu là tín đồ Hồi giáo dòng Shiite. Các vụ tấn công khiến người dân lo sợ những lễ cầu nguyện đông người trong ngày Eid có thể trở thành mục tiêu.

Seyyed Abad là thánh đường Shiite lớn nhất tại thành phố Kunduz. Chỉ khoảng 50 người tham gia lễ cầu nguyện sáng 8/5, so với 500 người của năm ngoái, khi thành phố còn nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ thân phương Tây của cựu Tổng thống Ashraf Ghani.

Nhưng ngay cả trong 50 người có mặt ấy, không phải tất cả đều tình nguyện. Một số bị ép phải đến nhà thờ theo lệnh của chính quyền Taliban.

Chính quyền Taliban tuyên bố 8/5 là ngày mở đầu của lễ Eid, sớm hơn một ngày so với Saudi Arabia và 2 ngày so với Iran - nước có cộng đồng Shiite đông đảo nhất. Nhiều người hoài nghi về mốc thời gian ngày lễ bắt đầu. Bởi thế, dù đến nhà thờ, họ vẫn tiếp tục tuân theo các nghi thức của tháng lễ Ramadan như nhịn ăn và không cầu nguyện ở nhà.

"Taliban không đe dọa, nhưng khi họ tới và tuyên bố ngày lễ Eid bắt đầu vào chủ nhật và an ninh được bảo đảm ở nhà thờ, không còn ai dám chống lệnh hay nói rằng chúng tôi không đồng ý Eid bắt đầu vào chủ nhật", một cư dân thành phố Kunduz nói.

Tự do bị tước đoạt

Với các tay súng Taliban, ngày lễ Eid là khoảnh khắc họ được sống lại cuộc sống từng đưa lực lượng này trở lại đỉnh cao quyền lực, một lối sống mà các chiến binh đã làm quen trong thời gian dài.

Tại bãi đỗ xe của một đồn cảnh sát ở Kabul, nhóm binh sĩ Taliban xuất hiện trên một xe bán tải, vũ khí đeo trên lưng, trong tay cầm một chiếc còng số tám.

Ubaidullah Edris, một tay súng năm nay 21 tuổi, trò chuyện qua điện thoại với người mẹ hiện sống ở làng Wardak. Mẹ của Edris thuyết phục người đàn ông về nhà nghỉ lễ Eid.

Edris nói với mẹ anh nhớ nhà. Nhưng khi vừa cúp máy, tay súng nói cảm giác nhớ nhà đã tan biến, thay vào đó là mong muốn ở lại thủ đô và tuần tra trên các con phố của Kabul.

Trên khắp Afghanistan, một số người hưởng lợi nhờ tình hình an ninh tương đối được bảo đảm trong dịp lễ Eid. Hàng trăm du khách nội địa đến thăm Bamiyan, danh thắng nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên và các tàn tích cổ đại. Nhờ thế, những người kinh doanh du lịch, khách sạn tại Bamiyan được dịp làm ăn phát đạt.

Nhưng với rất nhiều người Afghanistan, từ khi Taliban lật đổ chính phủ của cựu Tổng thống Ghani, cuộc sống của họ đã lâm vào thảm cảnh bởi nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Những chuyến du lịch, những lễ kỷ niệm với quần áo mới hay đồ ăn thức uống sung túc giờ vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.

Tại công viên quốc gia và vườn thú ở thủ đô Kabul, số người đến chơi hôm 8/5 chỉ bằng một nửa so với ngày lễ Eid của các năm trước. Tình trạng này phản ánh sự lao dốc của nền kinh tế, cũng như việc Taliban cấm phụ nữ tới các điểm công cộng trong ngày lễ Eid.

Afghanistan Taliban anh 3

Taliban đã tước đoạt nhiều quyền tự do của phụ nữ Afghanistan, trong đó có lệnh cấm đến trường. Ảnh: New York Times.

Trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Kabul, Zhilla cùng những người họ hàng quây quần bên nhau trong ngày lễ Eid. Những đứa trẻ nô đùa, đuổi bắt nhau trong khoảng sân nhỏ trước nhà.

Ở trong nhà, Zhilla quan sát em họ của cô, một đứa trẻ mới chỉ 6 ngày tuổi. Đứa bé sơ sinh ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ.

"Ngay cả đứa bé cũng hiểu cả gia đình đang trải qua những gì, con bé ngủ ngoan như vậy là vì chúng tôi", Zhilla nói đùa.

Năm ngoái, Zhilla và các anh em họ tập trung bên hồ nước Qargha của thủ đô Kabul để đi dã ngoại trên sông. Khi đó, những đứa trẻ cả nam và nữ được đạp xe dọc bờ hồ, được chèo thuyền. Nhưng tất cả những kỷ niệm ấy giờ đã là dĩ vãng rất xa xưa.

"Lễ Eid cũng giống như bất cứ ngày nào khác, chúng tôi không được ra khỏi nhà, tự do của chúng tôi đã bị tước đoạt", Zhilla nói.

Taliban diễu hành cùng xe bọc thép và vũ khí Mỹ Taliban đã tổ chức cuộc diễu hành mừng chiến thắng với xe bọc thép và vũ khí hiện đại của Mỹ ở thành phố Kandahar. Một trực thăng Black Hawk treo cờ Taliban bay phía trên.

Taliban tháo bỏ 'mặt nạ'

Sau khi nắm quyền, Taliban được cho là học cách đeo "một chiếc mặt nạ" để qua mặt cộng đồng quốc tế, nhưng sắc lệnh mới nhất đã phơi bày sự hà khắc không hề thay đổi với phụ nữ.

Taliban lộ rõ chân tướng

Taliban từng hứa sẽ ôn hòa hơn trong đường lối lãnh đạo, bao gồm đảm bảo quyền phụ nữ và bảo vệ nhóm thiểu số. Tuy vậy, hành động của lực lượng này đã chứng minh điều ngược lại.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm