Bất chấp những gì đã diễn ra ở Afghanistan kể từ khi Taliban giành được quyền kiểm soát vào tháng 8/2021, Nafisa (29 tuổi), vẫn chưa bao giờ tin rằng sẽ có ngày cô không thể cảm nhận được ánh nắng chiếu vào mặt khi đi trên đường phố Kabul.
Tuy nhiên, hôm 7/5, cơ quan phụ trách tuyên truyền đạo đức và ngăn chặn hành vi xấu Taliban đã ra sắc lệnh lệnh yêu cầu hàng triệu phụ nữ trên khắp Afghanistan như Nafisa "tốt nhất là nên ở nhà". Nếu ra ngoài, họ phải che mặt hoàn toàn và trùm kín ở nơi công cộng.
“Taliban không có kế hoạch nào cho sự phát triển của Afghanistan ngoài việc áp đặt các hạn chế đối với phụ nữ’, Guardian dẫn lời Nafisa. "Tôi không chấp nhận việc bắt buộc trùm đầu và tôi sẽ không bao giờ mặc burqa".
Taliban đã ra sắc lệnh lệnh yêu cầu hàng triệu phụ nữ trên khắp Afghanistan mặc áo trùm kín đầu ở nơi công cộng. Ảnh: AFP. |
Không còn cảm thấy an toàn
Các quy định hạn chế mới yêu cầu phụ nữ phải mặc burqa - loại trang phục che kín từ đầu tới chân, chỉ có thể nhìn qua một lớp vải thưa ở phần mắt - hoặc niqab - che toàn bộ, chỉ chừa đôi mắt. Hầu hết phụ nữ Afghanistan đội khăn trùm đầu, nhưng nhiều người ở các thành phố như Kabul trước đây chỉ trùm tóc chứ không phải cả mặt.
Cùng với sắc lệnh, Taliban cũng ban hành một loạt các hạn chế và hình phạt. Nếu phụ nữ làm việc cho chính phủ ra ngoài mà không che mặt, họ sẽ bị sa thải và các tay súng Taliban cũng sẽ mất việc nếu người thân là nữ giới không tuân theo hạn chế mới.
Đối với nhiều phụ nữ ở Kabul, sắc lệnh trên được đưa ra sau một loạt hành vi quấy rối và bạo lực dưới bàn tay của Taliban và những người thi hành công vụ trên đường phố của chính quyền này trong những tháng gần đây.
Những phụ nữ trẻ ở thủ đô Kabul nói rằng các tay súng Taliban đã lang thang trên nhiều con phố để tìm cớ tra hỏi, đe dọa và đánh đập phụ nữ vì mặc quần áo sặc sỡ, quần jean hoặc đi ra ngoài mà không có nam giới đi cùng.
Các tay súng Taliban đã lang thang trên nhiều con phố để tìm cớ tra hỏi, đe dọa và đánh đập phụ nữ vì mặc quần áo sặc sỡ, quần jean hoặc đi ra ngoài mà không có nam giới đi cùng. Ảnh: Reuters. |
Nazanin, một sinh viên đại học công lập, đã bị Taliban đánh vì ngồi ở ghế trước của một chiếc taxi khoảng hai tuần trước ở Kabul.
“Họ quất tôi hai lần vào lưng. Cảm giác như xương của tôi bị gãy", cô nói.
Nazanin cho biết sau khi cô bị đánh, tài xế taxi đã bị bắt và bị đưa đến đồn cảnh sát.
"Taliban đã tước đi quyền cơ bản của tôi"
Shabnam, 23 tuổi, sống ở Kabul, cho biết cô không còn cảm thấy an toàn khi đi trên đường nữa. Ba tuần trước, các tay súng Taliban đã chặn em họ 12 tuổi của cô, đè cô bé xuống và cắt tóc ở nơi công cộng vì không che kín khăn trùm đầu.
Ít lâu sau, người em họ và gia đình của cô bé đã rời khỏi đất nước.
“Taliban đã tước đi quyền cơ bản của tôi, đó là quyền lựa chọn quần áo cho chính mình. Điều này khiến tôi rất đau đớn”, cô nói.
Vào đầu năm, Taliban đã bắt giữ một số phụ nữ phản đối việc bắt buộc đội khăn trùm đầu và giam họ tại địa điểm không xác định, cho đến khi buộc phải thả họ vì dư luận quốc tế lên án.
Sắc lệnh mới đây chỉ là một trong những biện pháp kiểm soát khắc nghiệt mới nhất được áp đặt đối với cuộc sống của phụ nữ kể từ khi lực lượng Hồi giáo theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền.
Taliban ngày càng hạn chế quyền của người Afghanistan, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ. Ảnh: Reuters. |
Khi nắm chính quyền vào tháng 8/2021, Taliban từng hứa hẹn họ sẽ thay đổi và tôn trọng quyền của phụ nữ. Nhưng kể từ đó Taliban đã tước bỏ quyền được đi du lịch một mình của phụ nữ, cũng như ngăn cản nữ giới trở lại trường học và tham gia công việc của chính phủ.
Vào tháng 12/2021, Taliban ra phán quyết rằng phụ nữ muốn sử dụng chung phương tiện để đi quãng đường dài (xa hơn 72 km) cần có người thân là nam giới đi cùng. Ngoài ra, tổ chức này cũng "kêu gọi chủ phương tiện chỉ đồng ý khi phụ nữ đeo khăn trùm đầu lên xe".
Hôm 27/3, họ đã ra lệnh cho các hãng hàng không Afghanistan cấm phụ nữ lên máy bay mà không có nam giám hộ.
Phái đoàn Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) đã lên án sắc lệnh bắt buộc che mặt và gọi đây là “cuộc tấn công mới nhất nhằm vào quyền phụ nữ”. Dù vậy, cơ quan này cảnh báo Taliban có thể vẫn sẽ tiếp tục thực thi lệnh này bất chấp sự lên án rộng rãi của quốc tế.
“Thông tin mà UNAMA nhận được cho thấy đây là một chỉ thị chính thức chứ không phải là một khuyến nghị và nó sẽ được thực thi”, theo tuyên bố.
“Taliban vẫn tàn bạo như những năm 1990, và đối với phụ nữ, họ còn đối xử tồi tệ hơn. Họ học cách đeo ‘một chiếc mặt nạ’ để đánh lừa thế giới”, Nilofar Akrami - giảng viên đại học 30 tuổi dạy nữ giới tại Đại học Kabul - nói.